Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển thương mại, dịch vụ: Còn nhiều khó khăn

Hương Thủy| 18/05/2018 13:52

(HNMO) - Mặc dù thương mại có vai trò quan trọng trong tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế, nhưng lĩnh vực này hiện gặp không ít khó khăn.

Ngày 18-5, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo “Vai trò của cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong phát triển thương mại, dịch vụ”.

Nhiều khó khăn

Theo ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giai đoạn năm  2011-2017, mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 10%/năm, đạt hơn 3.568 nghìn tỷ đồng vào năm 2016 và đạt 4.234,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2017. Bốn tháng đầu năm nay, con số này ước đạt 1.399,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,85% so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng kỳ.


Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, việc phát triển hệ thống hạ tầng bán buôn, bán lẻ còn gặp khó khăn. Chẳng hạn, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Ở nông thôn, miền núi, mạng lưới chợ còn thưa thớt, siêu thị và trung tâm thương mại còn ít.

Bên cạnh đó, hệ thống chợ, siêu thị chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ và đa số chợ có quy mô nhỏ; nguồn vốn đầu tư phát triển chợ chưa thỏa đáng, cơ chế phân bổ chưa hợp lý. Chưa kể, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi; đầu tư nước ngoài chủ yếu phát triển các loại hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại ở các thành phố lớn, còn chợ và địa bàn nông thôn chưa có đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài.

Nguyên nhân là do nhận thức về vị trí, vai trò cũng như tiềm năng của thương mại trong nước chưa đúng, chưa đủ và chưa thống nhất; nguồn lực nhà nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng thương mại chưa được quan tâm; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại từ ngân sách nhà nước còn hạn chế và thiếu đồng bộ. 


Ngoài ra, việc quy hoạch thương mại chưa gắn với quy hoạch vùng lãnh thổ nên thiếu mặt bằng thuận lợi để bố trí hoạt động thương mại...

Ở khía cạnh khác, thương mại, dịch vụ còn gặp khó khăn về tiêu thụ hàng hóa. Tại hội thảo, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, theo quy luật thị trường và các nước phát triển đều thực hiện, trước khi sản xuất sản phẩm nào đó, người sản xuất phải tìm hiểu thị trường, bán cho ai, ở đâu, bán như thế nào, và kế hoạch bán trong tháng, quý, năm ra làm sao.

“Nhưng hiện nay, chúng ta lại làm ngược lại, tức là người dân cứ sản xuất rồi đẩy hàng hóa ra thị trường, còn hàng hóa bán được hay không lúc đó mới biết”, bà Lan nói.

Vì vậy, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, người sản xuất phải xây dựng kênh tiêu thụ bền vững chứ không chỉ chờ thương lái. Nếu thương lái không mua, hàng bị ế, đổ đi và lại "giải cứu" như thời gian qua.

Bên cạnh đó, hiện nay, có ít nhà máy sơ chế, chế biến để giúp nông dân sơ chế sản phẩm, tăng giá trị sản phẩm; chưa có hợp tác xã, doanh nghiệp mạnh bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất. Mạng lưới logicstic còn nhỏ lẻ nên chi phí vận chuyển hàng tăng khiến giá sản phẩm khó cạnh tranh...

Hoặc làm ngay hoặc chấp nhận đứng ngoài cuộc


Tham gia hội thảo, Phó Giáo sư, TS Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ thị trường gợi mở một số giải pháp để phát triển thương mại, dịch vụ trong nước.

Theo ông, để phát triển thương mại, phải có nguồn lực, hiện đại hóa hệ thống phân phối, thương mại bán lẻ; đồng thời xác định những việc trọng tâm cần làm trong thời gian tới.

Việc trọng tâm đầu tiên là phát triển hệ thống cung ứng, gắn lưu thông với sản xuất, chế biến và hình thành các chuỗi cung ứng trên cả nước. Nhà đầu tư, từ sản xuất, chế biến đến phân phối (bán buôn, bán lẻ và xuất khẩu), kèm theo là hệ thống dịch vụ logistics, phải tích hợp thành chuỗi cung ứng khép kín.

Nhà nước cần định hướng, quan tâm đến doanh nghiệp, tập đoàn có quy mô lớn, có tính chỉ huy thực hiện việc này. Chính những doanh nghiệp này quyết định sự thành công của hệ thống, chuỗi cung ứng.

“Nếu doanh nghiệp trong nước không nhanh chân, doanh nghiệp nước ngoài sẽ dần chiếm hết thị phần bởi chuỗi cung ứng như vậy họ đã làm từ lâu. Hoặc chúng ta phải làm ngay hoặc chúng ta đứng ngoài cuộc”, Phó Giáo sư, TS Hoàng Thọ Xuân cảnh báo.

Trọng tâm thứ hai là hình thành mạng lưới các cửa hàng tiện lợi. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, kết hợp sự hỗ trợ kỹ thuật của cộng đồng doanh nghiệp, từng bước chuyển hóa các cửa hiệu, quầy hàng của hơn 2 triệu hộ kinh doanh tiểu thương thành cửa hàng tiện lợi, bán lẻ hàng hóa theo phương thức hiện đại, mở cửa cả ngày và liên tục trong tuần. Hàng hóa được đặt hàng các nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhà nhập khẩu, trong đó chủ yếu là từ trung tâm bán buôn hiện đại.

“Thực hiện được hai việc trọng tâm trên sẽ góp phần chuyển biến thương mại rõ rệt. Chúng ta không nên chờ đến khi đủ điều kiện mới làm, mà cứ làm rồi sẽ đủ”, Phó Giáo sư, TS Hoàng Thọ Xuân nói.


Là doanh nghiệp có uy tín trên thị trường, ông Đinh Việt Thanh, đại diện Tổng Công ty May 10, có nhìn nhận khác để thương mại, dịch vụ phát triển. Đó là, hệ thống pháp luật phải đủ, nghiêm và đi trước để điều chỉnh các quan hệ thương mại, dịch vụ trong thực tiễn. Cùng với đó, cơ quan quản lý lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để điều chỉnh chính sách và coi chính sách là xúc tác chứ không thuần túy là “răn đe” hay “ngăn chặn’’.

Tính đến hết năm 2017, cả nước có 957 siêu thị tại 62/63 tỉnh, thành phố và 189 trung tâm thương mại tại 51 tỉnh, thành phố. Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành; tại các khu vực nông thôn, ngoại thành chưa phát triển. Chỉ riêng tại 5 thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, số lượng siêu thị và trung tâm thương mại chiếm 47-50% so với số lượng siêu thị và trung tâm thương mại cả nước.

Cả nước hiện có 15 trung tâm hội chợ triển lãm được phân bố tại 11 tỉnh, thành với tổng diện tích hơn 892.000m2. Hệ thống trung tâm logistics mới được hình thành và phát triển chưa nhiều với 50 trung tâm tại 8 tỉnh, thành phố.


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thương mại, dịch vụ: Còn nhiều khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.