Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vui mừng xen lẫn âu lo

Sơn Tùng| 11/06/2018 06:56

(HNM) - Từ đầu tháng 5-2018, giá lợn hơi tăng liên tục và hiện ở mức khoảng 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cùng với niềm vui sau thời gian dài giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi vẫn còn không ít âu lo vì sự bấp bênh của thị trường.

Tổ chức chuỗi sản xuất - tiêu thụ, bảo đảm sự phân bổ hợp lý lợi nhuận giữa các khâu sẽ góp phần ổn định giá thịt lợn trên thị trường. Ảnh: Hải Anh


Còn nhiều bất ổn

Nếu như từ đầu tháng 5-2018, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước tăng từng ngày, lên mức kỷ lục trong vòng gần 1 năm qua thì khoảng 1 tuần nay đã bắt đầu chững lại. Mặc dù vậy, giá bán vẫn ở mức cao (khoảng 50.000 đồng/kg) và việc tiêu thụ khá thuận lợi. Song thực tế là sau một thời gian dài giá lợn ở mức thấp, hầu hết nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã phải bỏ trống chuồng.

Hiện nay, lượng lợn thương phẩm trên địa bàn Hà Nội chủ yếu được cung cấp từ các công ty, trang trại lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiện, tổng đàn lợn trên địa bàn thành phố duy trì ở mức ổn định 2,4-2,6 triệu con.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT về tình hình chăn nuôi cả nước trong tháng 5 và đầu tháng 6-2018 cho thấy, giá lợn tăng một phần do nguồn cung giảm trong thời gian qua. Hiện, tổng đàn lợn cả nước đã giảm khoảng 5,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân là do nhiều trang trại “găm hàng” chờ giá. Tuy nhiên, dù giá lợn tăng, nguồn cung vẫn rất dồi dào, nên Bộ NN&PTNT nhận định, nếu một thời gian ngắn nữa, giá lợn hơi không tăng, các trang trại "xả hàng", rất có thể giá sẽ lại giảm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) - một đơn vị chăn nuôi lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội với quy mô gần 20.000 con lợn thịt, cho biết, dù lợn hơi tăng giá mạnh, song các đơn vị chăn nuôi lớn chưa thể có lãi do vẫn phải bù lỗ và phục hồi sản xuất sau giai đoạn rớt giá trước đó.

"Đợt giá lợn hơi giảm sâu đã khiến các trang trại quy mô vài trăm con thua lỗ hàng tỷ đồng, thậm chí có đơn vị quy mô lớn thua lỗ hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, mong muốn chung của các hợp tác xã là giá lợn hơi ổn định để phát triển chăn nuôi bền vững, bởi nguy cơ thịt lợn từ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam (hiện giá lợn hơi tại Trung Quốc chưa tới 40.000 đồng/kg) sẽ gây bất ổn cho ngành chăn nuôi trong nước. Đặc biệt, khi giá lợn thịt tăng cao, các trang trại, hộ chăn nuôi vừa và nhỏ ồ ạt tái đàn dẫn tới tổng đàn tăng mạnh cũng là bài toán nan giải", ông Nguyễn Văn Thanh nêu vấn đề.

Bà Nguyễn Thị Dung, chủ hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn tại xã Châu Can (huyện Phú Xuyên) thông tin thêm: "Đi kèm với giá lợn hơi tăng, trong hơn 1 tháng qua, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã 3 lần điều chỉnh tăng giá sản phẩm lên tới 20%. Cùng với đó là các hộ chăn nuôi tái đàn, giá lợn giống tăng cao lên tới 1,2-1,7 triệu đồng/con, trong khi lợn xuất chuồng đến đâu phải nhập giống đến đó để ổn định sản xuất. Vì vậy, nếu các hộ chăn nuôi không chủ động được giống và thức ăn chăn nuôi khép kín thì không lãi nhiều trong đợt tăng giá này. Một vấn đề khác khiến nhiều người chăn nuôi lo lắng là giá lợn hơi những tháng mùa hè chưa biết diễn biến ra sao, trong khi chi phí "đầu vào" đang ở mức cao. Nếu giá lợn hơi giảm, người chăn nuôi sẽ lại gặp khó khăn".

Cần có giải pháp về thị trường

Các cơ sở chăn nuôi lớn phải liên kết theo chuỗi trước khi tái đàn để tránh dư thừa sản phẩm. Ảnh: Sơn Hà


Về vấn đề có hay không việc các doanh nghiệp FDI thao túng thị trường thịt lợn, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho hay, không đủ cơ sở để khẳng định có sự “làm giá” của các doanh nghiệp FDI. Nhưng nếu phân tích diễn biến thực tế có thể thấy họ đang tận dụng lợi thế về vốn, quản trị, công nghệ... để chiếm lĩnh thị phần chăn nuôi trong nước, nơi mà người chăn nuôi truyền thống đã và đang bị "lép vế"...

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng khuyến cáo: "Việc sắp xếp lại thị trường, chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn là hướng đi tất yếu. Do đó, các hộ, trang trại chăn nuôi lợn cũng cần liên kết với nhau, xây dựng thương hiệu, kết nối với những nhà sản xuất lớn theo chuỗi giá trị. Việc các chủ trang trại hay nông hộ liên kết với nhau thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ giúp thống nhất kế hoạch sản xuất, có điều kiện áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, chủ động nguồn con giống, thức ăn, đầu ra sản phẩm...".

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương khuyến nghị, trong bối cảnh hiện nay, người chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt, nếu mua con giống với giá cao thì chi phí chăn nuôi lớn. Ngoài ra, cần theo dõi thêm biến động của thị trường để quyết định việc mở rộng sản xuất cho phù hợp. Chăn nuôi bền vững là khi giá cả ổn định, người chăn nuôi bảo đảm có lãi để duy trì sản xuất, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý.

“Quốc hội hiện đang bàn về Dự án Luật Chăn nuôi, theo đó ngành chăn nuôi sẽ phát triển theo hướng bền vững, sản xuất hiện đại, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, môi trường. Trước kia, cứ có đất, có vốn và bảo đảm môi trường là có thể bắt tay vào chăn nuôi, nhưng bây giờ, muốn mở trang trại chăn nuôi cần phải có giải pháp về thị trường và bảo đảm nhiều điều kiện khác. Nói đơn giản, khi bắt tay vào chăn nuôi, người nuôi cần biết sản phẩm của mình sẽ tiêu thụ ở đâu, với số lượng bao nhiêu..., trên cơ sở đó có quy mô phù hợp", ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.

Thảo luận về Dự án Luật Chăn nuôi, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành luật để đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hiện đại, theo chuỗi, chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Về nguyên tắc hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, một số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thể hiện các quy định này cô đọng và rõ ràng hơn, mang tính định hướng, xuyên suốt trong hoạt động chăn nuôi; nghiên cứu, phân định rõ các hoạt động mà Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích, như xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phát triển vùng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui mừng xen lẫn âu lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.