Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông sản Việt “ngược dòng” sang Thái

Đặng Loan| 18/06/2018 07:11

(HNM) - Mới đây, đoàn 30 doanh nghiệp Việt Nam, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã đến Thái Lan tham dự Thaifex, một hội chợ chuyên ngành hàng đầu về thực phẩm và đồ uống, công nghệ thực phẩm.


Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Thái Lan là quốc gia có thế mạnh về nông sản, vì vậy các doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị những sản phẩm nông sản đặc sắc nhất và khác biệt về chất lượng, mùi vị so với hàng Thái để "trình diễn". Bà Đặng Thị Diễm Thúy, phụ trách mảng kinh doanh nội địa của Công ty cổ phần Vinamit có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh cho biết, những sản phẩm truyền thống trước đây như mít sấy, mít khô hay các sản phẩm sấy dẻo như xoài rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp Thái. Vì vậy, Vinamit đã mang đến Thaifex những sản phẩm mới phát triển như gạo organic, xoài organic, chuối organic, sữa chua sấy…

Theo bà Diễm Thúy, điểm khác biệt giữa hàng Việt và hàng Thái là sản phẩm của Vinamit là hàng tự nhiên, không có chất bảo quản, ít đường. Do sản phẩm không quá ngọt và màu sắc không đậm, rất khác biệt so với sản phẩm của Thái Lan nên khách hàng rất ấn tượng về chất lượng và mẫu mã.

Khách quốc tế tham quan gian hàng sản phẩm Việt Nam tại Thaifex.


Doanh nghiệp Cỏ May (Đồng Tháp) cũng mang đến nhiều sản phẩm mới như da cá basa chiên, bánh phồng nấm rơm... Công ty Betrimex (Bến Tre) mang đến sản phẩm chủ lực từ dừa như sữa dừa, dừa ép… Các doanh nghiệp khác cũng mang đến nhiều sản phẩm hữu cơ như gạo Ecotiger của Trà Vinh, gạo hữu cơ Trung An, sữa hữu cơ Vinamilk…

Bên cạnh các doanh nghiệp xuất khẩu đã có hàng xuất khẩu đi nhiều nước, lần này đến Thaifex cũng có những doanh nghiệp lần đầu mang sản phẩm ra nước ngoài. Ông Nguyễn Trường Chinh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Trà Vinh cho hay, đã mang đến Thaifex nhiều sản phẩm thiên nhiên của Câu lạc bộ Đặc sản làng nghề Trà Vinh như tôm khô Tiến Hải, cốm dẹp Trà Vinh…

Bà Lê Thanh Diễm, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại bột thực phẩm Tấn Sang (Đồng Tháp) cho biết, đây là lần đầu tiên bột thực phẩm Tấn Sang tham gia Thaifex để kết nối, làm việc với các nhà phân phối trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh trong khu vực Đông Nam Á, cũng như thu thập thông tin về nhu cầu thị trường quốc tế để hoàn thiện sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của các đối tác.

Đưa hàng “chuẩn hội nhập” ra thế giới

Theo Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương), thời gian qua kim ngạch thương mại Việt Nam - Thái Lan nhìn chung đạt mức tăng trưởng tốt. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thái Lan trong năm 2017 gồm: Điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dầu thô, phương tiện vận tải và phụ tùng… Trong khi đó, Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam rất nhiều hàng nông sản. Riêng mặt hàng trái cây Thái Lan, trong 4 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập vào 203 triệu USD, tăng hơn 28%.

Theo Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan tăng do các nguyên nhân: Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); hàng Thái có sức cạnh tranh mạnh về chất lượng và giá cả, nhiều mặt hàng thuộc các thương hiệu danh tiếng đầu tư tại Thái Lan; Thái Lan thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại Việt Nam, đầu tư mạnh mẽ vào kênh phân phối tại Việt Nam. Chính vì vậy, mang nông sản “lội ngược dòng” sang Thái Lan là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp Việt.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đơn vị tổ chức đưa các doanh nghiệp đến Thaifex cho biết, lần này mang theo nhiều những sản phẩm hữu cơ, các sản phẩm thiên nhiên. Mỗi sản phẩm đều được gia tăng sự khác biệt với các sản phẩm cùng loại. Khá nhiều khách hàng ngạc nhiên về sản phẩm gạo hữu cơ và sản phẩm an toàn của Việt Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên hàng Việt Nam ra nước ngoài với hai logo, đó là logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao" do người tiêu dùng bình chọn cho thị trường nội địa và “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” để đưa ra thế giới.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” với những tiêu chí khắt khe về chất lượng sẽ là lợi thế về chất lượng kỹ thuật cũng như lời cam kết vững chắc về chất lượng để cạnh tranh hàng ASEAN đang tràn ngập ở thị trường trong nước và cả cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu. Hiện tại, do tiêu chí cao nên chỉ mới có hơn 60 doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm đạt chứng nhận nhãn hiệu này.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, các đoàn khách của Nhật Bản, Thái Lan cho biết những sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là sầu riêng và thanh long của Việt Nam rất ngon. Điều đó cho thấy, sản phẩm Việt không thua kém sản phẩm nước ngoài và tiềm năng của những sản phẩm của Việt Nam là rất lớn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt cần có sự kết nối, đầu tư để nâng chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó mới mở rộng được thị trường, cạnh tranh với hàng hóa các nước khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông sản Việt “ngược dòng” sang Thái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.