Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đặc sản nhãn chín muộn Đại Thành

Đỗ Minh| 23/06/2018 08:30

(HNM) - Là một trong những cây ăn quả đặc sản của Thủ đô, nhãn chín muộn Đại Thành đã được xuất bán sang một số nước, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) có 115ha trồng nhãn chín muộn đã cho thu hoạch. Ảnh: Bá Hoạt


Vùng sản xuất tập trung

Xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) là một trong những vùng trồng nhãn chín muộn trọng điểm của Hà Nội. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành (Quốc Oai) Đinh Văn Phích: Hiện toàn xã có 160ha trồng cây ăn quả, trong đó có 115ha trồng nhãn chín muộn đã cho thu hoạch. Đại Thành cũng là một trong số ít xã được phép chuyển đổi toàn bộ diện tích đất lúa sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ lực là nhãn chín muộn.

Giống nhãn chín muộn có thời gian thu hoạch muộn hơn so với giống nhãn đại trà khoảng 1 tháng (từ ngày 15-8 đến 20-9), nên rất thuận lợi trong khâu tiêu thụ. Với chất lượng thơm ngon nên giá bán tại vườn ở xã Đại Thành dao động từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng/kg.

Năm 2016, năng suất nhãn toàn xã Đại Thành đạt 2.000 tấn, với thị trường tiêu thụ ổn định là hệ thống các siêu thị lớn như: BigC, Fivimart, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Đặc biệt, từ năm 2016, nhãn chín muộn Đại Thành đã xuất khẩu sang Malaysia và nhận được phản hồi tích cực. Theo thống kê của UBND xã Đại Thành, năm 2016, toàn xã thu về hơn 40 tỷ đồng từ trồng nhãn chín muộn. Nhờ cây trồng này, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu và ổn định cuộc sống.

Chia sẻ hiệu quả kinh tế từ cây nhãn chín muộn, ông Nguyễn Huy Hạnh, thôn Đại Tảo (xã Đại Thành) cho biết, hiện gia đình có hơn 100 gốc nhãn có tuổi đời hơn 20 năm đang cho thu hoạch. Năm được mùa nhất, gia đình thu hơn 30 tấn quả, hiệu quả kinh tế đạt hơn 1 tỷ đồng.

Năm nay, gia đình mạnh dạn trồng thêm hơn 100 gốc nhãn, dự kiến sẽ cho thu hoạch trong vài năm tới. Bên cạnh đó, nhờ nhãn chín muộn Đại Thành đã vang tiếng gần xa nên thu hút nông dân từ các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nam… về đây mua mắt hoặc cành để ghép giống nhãn này.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết: Nhãn chín muộn không chỉ là cây ăn quả đặc sản của Hà Nội mà còn là cây trồng chiến lược của huyện Quốc Oai nói chung và xã Đại Thành nói riêng. Với lợi thế về thổ nhưỡng, là nơi lưu giữ nguồn gen giống nhãn chín muộn lâu năm nhất Hà Nội, đến nay, cây nhãn chín muộn đã trở thành cây trồng chủ lực, làm giàu của người dân xã Đại Thành.

Năm 2013, nhãn chín muộn Đại Thành Quốc Oai được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây là tiền đề quan trọng để nhãn chín muộn khẳng định chất lượng và uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Để tạo điều kiện cho nhãn chín muộn phát triển, năm 2018, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Hiện UBND huyện, UBND xã đang đầu tư hệ thống điện, đường, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đưa Đại Thành trở thành vùng trồng nhãn chín muộn có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Tuy nhiên, như nhiều cây trồng khác, trồng nhãn chín muộn cũng phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Đơn cử như năm 2017, do mưa phùn, ẩm, đúng thời kỳ nhãn chín muộn ra hoa nên tỷ lệ đậu quả thấp. Năm 2017 coi là năm mất mùa của nhãn chín muộn.

Để khắc phục tình trạng trên, năm 2018, Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành triển khai mô hình đưa một số giải pháp nâng cao năng suất cho nhãn chín muộn. Mặc dù được triển khai với quy mô nhỏ (khoảng 0,75ha) song hiện nay, tại các vườn nhãn đều sai quả, dự kiến sản lượng đạt cao.

Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, để giảm thiểu tác động của thời tiết đối với sự phát triển của hoa và quả nhãn, Trung tâm đã phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam tiến hành các biện pháp kỹ thuật như, giai đoạn quả non phải thường xuyên giữ ẩm, phun thuốc trừ sâu bệnh… Ngoài mô hình điểm, Trung tâm tập huấn cho người dân xã Đại Thành cách chăm sóc để nhãn ra hoa, đậu quả; các biện pháp kỹ thuật ứng phó với những diễn biến thời tiết…

Đánh giá về vùng nhãn chín muộn Đại Thành, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, nhãn chín muộn là một trong những cây ăn quả chủ lực nằm trong đề án phát triển cây ăn quả đặc sản Hà Nội. Đặc biệt, nhãn chín muộn Đại Thành đã được phía cơ quan chức năng Mỹ đến tham quan và kiểm định nhằm cấp mã vùng để xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường Mỹ.

Để hướng đến xuất khẩu rộng rãi tới nhiều thị trường trên thế giới, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với UBND huyện Quốc Oai, UBND xã Đại Thành đưa ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng trồng nhãn Đại Thành thành vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 200ha; đồng thời, đầu tư hệ thống bảo quản, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp… nhằm phát triển bền vững vùng nhãn chín muộn trọng điểm của Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đặc sản nhãn chín muộn Đại Thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.