Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp tối ưu để tăng trưởng

Thanh Hiền| 14/07/2018 06:18

(HNM) - 6 tháng đầu năm 2018, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của Hà Nội tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 9,5%.

Sức mua hàng điện máy tại Hà Nội tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2018. Ảnh: Bá Hoạt


Doanh thu bán lẻ tăng

Theo Sở Công Thương Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm ngành dịch vụ tăng 7,04%. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, lĩnh vực thương mại do ngành Công Thương quản lý có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng của tổng giá trị tăng thêm.

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 139.074 tỷ đồng, chiếm 58,9% và tăng 12,3%. Có được kết quả này là do hàng hóa trên thị trường đa dạng về mẫu mã, giá cả tương đối ổn định và bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và khách du lịch.

Để có được điểm nhấn đó, từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp cung ứng hàng hóa, kết nối cung - cầu nông sản thực phẩm; cùng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng hóa hấp dẫn; bảo đảm cung - cầu, ổn định giá cả, tổ chức tốt hệ thống phân phối, nhất là ở các khu vực nông thôn, các xã miền núi, khu công nghiệp… đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân.

Người tiêu dùng mua hàng gia dụng tại siêu thị HC.


Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thời gian tới hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng đang diễn biến phức tạp; xu hướng tăng lương cơ bản của nhóm đối tượng hưởng ngân sách và lương cơ sở trong cơ cấu tính giá dịch vụ khám, chữa bệnh tăng... Nhưng, do phí một số dịch vụ y tế được điều chỉnh giảm, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng và bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nên mặt bằng giá trên thị trường nhìn chung không biến động lớn.

Tiếp tục kích cầu mua sắm

Thực tế cho thấy, đẩy mạnh kích cầu tại thị trường nội địa là không dễ, đặc biệt trong bối cảnh sức ép cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngày càng gia tăng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn đã khó khăn về vốn, công nghệ, nhân lực... lại chưa quan tâm đến việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, dẫn đến khó cạnh tranh.

Để bình ổn giá cả thị trường những tháng còn lại của năm nay, cần theo dõi diễn biến thị trường, xử lý các vấn đề phát sinh khi thị trường có biến động bất thường; đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ các nhóm hàng may mặc, trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại, cần có các chương trình kích cầu mua sắm...

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, với các mặt hàng có xu hướng tăng cao trong thời gian qua như xăng dầu, lương thực, thịt lợn, cần chủ động rà soát, cân đối cung - cầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá để bình ổn thị trường. Đặc biệt với giá xăng dầu, đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành sử dụng hợp lý quỹ bình ổn với liều lượng thích hợp, có kịch bản ứng phó nếu giá tăng cao, để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá.

Nhằm thúc đẩy tổng mức bán lẻ tăng trưởng những tháng cuối năm, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản 3020/UBND-KT, triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn.

Theo đó, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan theo dõi cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, nông sản, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo điều hành bảo đảm cung - cầu và bình ổn thị trường. Tăng cường kết nối các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh với các trang trại, hộ chăn nuôi, trồng trọt; đề xuất giải pháp phát triển mô hình chuỗi.

Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường kiểm soát chất lượng và giá các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân, xử lý kịp thời gian lận thương mại... Bên cạnh đó, Sở phối hợp các ngành liên quan nắm bắt khó khăn của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh để tham mưu, báo cáo UBND thành phố các biện pháp tháo gỡ; tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các địa phương; đưa hàng Việt về nông thôn; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm thúc đẩy nhu cầu mua sắm…

Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi đầu tư 12 dự án lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong danh mục giới thiệu, kêu gọi đầu tư của thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, tạo điều kiện mở rộng điểm bán hàng, hệ thống phân phối hàng hóa; tập trung phát triển dịch vụ logistics nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại truyền thống, thương mại quốc tế và thương mại điện tử; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP Hà Nội tổ chức kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận với các nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi...

Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, TP Hà Nội đã, đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc đầu tư thiết bị công nghệ mới, giảm chi phí đầu vào, cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa... tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp tối ưu để tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.