Theo dõi Báo Hànộimới trên

So với mong muốn, chắc chắn còn nhiều việc phải làm...

Dạ Khánh| 30/07/2018 19:41

(HNMO) - Hơn một thập kỷ trước, chắc hẳn người dân Hà Nội khó có thể hình dung diện mạo Thủ đô lại có sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ đến vậy...

Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Trà My


Hà Nội đã thực hiện khối lượng công việc khổng lồ

Giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Xây dựng và là một trong những cán bộ chủ chốt tham gia vào quá trình nghiên cứu, đề xuất phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân là một trong những người hiểu rõ nhu cầu bức thiết, tính đúng đắn khi Quốc hội ra Nghị quyết 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội:  “Thời điểm đó, Hà Nội đã có những phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu phát triển ngày càng lớn, nhưng bị khóa trong ranh giới chật hẹp, có khoảng hơn 920km2, không có đủ không gian cho việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, dân số đô thị ngày một gia tăng. Nếu không có dư địa về quỹ đất thì rất khó để bảo đảm sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển Thủ đô ổn định và bền vững. Do vậy, quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội lúc bấy giờ là yêu cầu khách quan, hết sức kịp thời, cần thiết và là chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trước nhu cầu phát triển của Thủ đô”.

Trở lại thời điểm thực hiện mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội lúc bấy giờ ở trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn do suy giảm kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế sụt giảm, lạm phát gia tăng. Trong khi đó, hạ tầng đô thị, nông thôn sau mở rộng còn yếu và thiếu đồng bộ. Dân số nông thôn lớn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đặc biệt, đời sống một bộ phận nhân dân vùng xa trung tâm gặp nhiều khó khăn. Nhiều xã còn chưa có điện, nước sinh hoạt… Càng khó khăn hơn khi Hà Nội vừa hợp nhất được 2 tháng thì xảy ra trận lụt lịch sử (cuối tháng 10-2008), gây thiệt hại lớn về người và của...

10 năm qua đi với bộn bề công việc để rồi nhìn lại mới thấy, Hà Nội đã thực hiện được một khối lượng công việc khổng lồ mà theo như nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận xét là “toàn những việc lớn và việc khó”. Kinh tế Thủ đô vượt qua suy giảm, liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tích cực, chất lượng và hiệu quả hơn. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được đẩy mạnh đầu tư, khắc phục ùn tắc giao thông và góp phần cải tạo, hiện đại hóa đô thị Thủ đô. Một diện mạo đô thị Thủ đô xanh, văn minh, hiện đại cũng đang dần trở thành hiện thực với nhiều hồ lớn, công viên cây xanh được cải tạo, mở rộng, đầu tư mới. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Hệ thống điện lưới quốc gia đã được phủ khắp các địa bàn. Việc phát triển hệ thống nước sạch cũng đang được thành phố đẩy mạnh thực hiện, phấn đấu đến năm 2020, 100% người dân đô thị và nông thôn được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch tập trung.

Về vấn đề quy hoạch, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội cho biết, thực tế, trước khi thực hiện hợp nhất, cả Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ) đã có quy hoạch phát triển chung của từng địa phương. Quy hoạch chung của Hà Nội (trước hợp nhất) được phê duyệt năm 1998 và Quy hoạch chung của Hà Tây (cũ) được phê duyệt năm 2000. Sau hợp nhất, Hà Nội đã phải mất đến 3 năm thực hiện rà soát lại, điều chỉnh các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn mở rộng, từ đó đưa ra định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Những quy hoạch, dự án không còn phù hợp với quy hoạch chung được điều chỉnh hoặc loại bỏ.

Năm 2011, lần đầu tiên một đồ án Quy hoạch chung phát triển Thủ đô Hà Nội được báo cáo Trung ương, đưa ra Quốc hội, tổ chức triển lãm, lấy ý kiến của đông đảo nhân dân ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sau khi được Quốc hội thông qua, ngày 26-7-2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là tiền đề để TP Hà Nội triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung bằng các quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chung đô thị vệ tinh, xây dựng huyện, thị trấn sinh thái và thị trấn huyện lỵ.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, triển khai thực hiện nhiệm vụ đặt ra khi hợp nhất và định hướng phát triển không gian theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức rà soát 642 đồ án, dự án trên địa bàn mở rộng; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai 329 đồ án, dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch Hà Nội mở rộng. Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành việc rà soát, đề xuất cho dừng, giãn và hoãn, chuyển đổi mục đích đầu tư các dự án không phù hợp quy hoạch.

Đến hết tháng 6-2018, thành phố đã phê duyệt 26/35 đồ án quy hoạch phân khu, 31/33 đồ án quy hoạch chung; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để trình phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chung huyện Gia Lâm, 4 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Ngoài ra, thành phố đang triển khai lập 25 đồ án quy hoạch phân khu tại Sóc Sơn (6 khu), Xuân Mai (3 khu), Phú Xuyên (2 khu), Sơn Tây (9 khu) và dự kiến lập 5 đồ án quy hoạch phân khu đối với đô thị Hòa Lạc. Cùng với việc triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch, là việc xây dựng các quy chế quản lý: Quy hoạch kiến trúc chung, kiến trúc khu phố cổ, phố cũ; quy chế quản lý kiến trúc công trình cao tầng khu vực nội đô...

Nhiệm vụ còn nặng nề...

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm, trước khi hợp nhất, cả Hà Nội và Hà Tây (cũ) có hơn 700 dự án khu đô thị được lập. Khi có quy hoạch chung (năm 2011), sau khi rà soát, chỉ còn 240 dự án được tiếp tục triển khai và đang thực hiện nghiên cứu, điều chỉnh lại các dự án không còn phù hợp quy hoạch chung. Song việc điều chỉnh còn chậm, chưa kịp thời. Trong khi đó, tại các huyện, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, do biến động và tốc độ đô thị hóa cao, đồng thời do trình tự và tầng bậc thực hiện quy hoạch không đồng nhất giữa hệ thống các quy hoạch xây dựng nông thôn mới (triển khai theo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy ngày 26-4-2016 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”) và các quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chung xây dựng huyện (triển khai theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô), các đồ án quy hoạch xã nông thôn (được phê duyệt toàn bộ 401/401 đồ án năm 2012) đến nay cần rà soát, điều chỉnh đồng bộ để khớp nối với các quy hoạch chung xây dựng huyện, quy hoạch phân khu đô thị khu vực giáp ranh, cận đô thị.



Thực tế, Hà Nội thời gian qua đã và đang phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, khi đời sống người dân ngày một được nâng cao. Không chỉ khu vực nội đô được chú trọng đầu tư, tại các huyện, với việc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới một cách rõ rệt. Ngân sách đầu tư cho các huyện được tăng cường. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trạm y tế được đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện quyết liệt và đạt kết quả rõ nét. Hà Nội dẫn đầu cả nước về các xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Về xây dựng và phát triển không gian đô thị theo quy hoạch, nhìn nhận một cách khách quan, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch mặc dù đã được thực hiện với khối lượng công việc lớn; công tác xây dựng, phát triển đô thị diễn ra với tốc độ cao, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ và chất lượng do đòi hỏi cao về công tác quản lý và sức ép của phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, khó khăn về nguồn lực cũng là nguyên nhân chưa xây dựng, phát triển được Thủ đô thành một tổng thể đa trung tâm, có cấu trúc hoàn chỉnh hiện đại, gắn với phát triển các thành phố vệ tinh.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ, thực tế, rất nhiều các dự án, nhất là các dự án nhà ở cao tầng, khu đô thị hiện nay đã và đang được triển khai trên địa bàn Hà Nội đến từ nguồn vốn xã hội hóa. Khó khăn về nguồn lực nên hiện ở một số nội dung, Hà Nội đang xin cơ chế đặc thù nhằm tăng nguồn thu ngân sách, huy động nguồn vốn để tăng cường nguồn lực xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông, kết nối các đô thị vệ tinh, giảm tải cho đô thị trung tâm.

Tất nhiên, theo như chia sẻ của nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, “đối với một đô thị lớn nói chung, đặc biệt đây là đô thị Thủ đô, kỳ vọng, mong muốn của người dân Thủ đô cũng như nhân dân cả nước chắc chắn rất lớn. So sánh với mong muốn, chắc chắn còn nhiều việc phải làm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
So với mong muốn, chắc chắn còn nhiều việc phải làm...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.