Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết nối tiêu thụ nông sản an toàn: Gỡ khó từ nhiều phía

Ngọc Quỳnh| 15/08/2018 09:07

(HNM) - Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc xây dựng, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt bảo đảm an toàn thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc kết nối tiêu thụ nông sản an toàn vẫn gặp nhiều khó khăn, cần sự nỗ lực tháo gỡ từ nhiều phía.

Gian hàng nông sản an toàn của các tỉnh trong buổi giới thiệu tại Hà Nội ngày 3-8-2018. Ảnh: Ngọc Ánh


Chưa đáp ứng nhu cầu

Đến nay, các tỉnh, thành phố đã xây dựng, phát triển được 461 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó 194 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận. Trung bình mỗi năm, các tỉnh, thành phố cung cấp hàng triệu tấn rau, củ, quả, thực phẩm cho thị trường Hà Nội, đơn cử: Tỉnh Điện Biên, cung cấp khoảng 70 tấn rau; tỉnh Vĩnh Phúc 2.500 tấn rau, củ, 3 triệu quả trứng gà và 500 tấn thịt lợn… Sản phẩm của các tỉnh, thành phố đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, nhất là sản phẩm rau, thịt.

Tuy vậy, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường: Hiện nay, việc kết nối, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh, thành phố với Hà Nội gặp không ít khó khăn do một số địa phương buông lỏng quản lý quy hoạch vùng, sản xuất nông nghiệp vẫn nặng tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm chưa bảo đảm an toàn chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobalGAP... Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp chưa phát triển. Một số nông sản tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa có nhãn hiệu, thông tin nhận diện. Số lượng nông sản cung cấp cho thị trường Hà Nội được quản lý thông qua thỏa thuận phối hợp còn hạn chế...

Mặt khác, chất lượng nông sản không đồng đều, tỷ lệ sản phẩm có truy xuất nguồn gốc thấp, mới đạt từ 40 đến 50%, thậm chí một số sản phẩm chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã lấy 302 mẫu nông, lâm, thủy sản, trong đó 255 mẫu đã có kết quả phân tích, cơ quan chức năng đã phát hiện 17 mẫu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Công tác dự báo thị trường tiêu thụ nông sản của các tỉnh, thành phố cũng chưa sát với nhu cầu, dẫn đến cung vượt cầu, ảnh hưởng đến giá cả và gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hải Phòng Nguyễn Công Toản, trung bình mỗi năm Hải Phòng cung cấp cho thị trường Hà Nội hàng trăm tấn thủy sản, gạo..., nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Nguyên nhân là hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, thủy sản của địa phương còn hạn chế. Trong khi đó, do sản xuất ra sản phẩm an toàn mất rất nhiều công lao động, nhưng năng suất thấp, mẫu mã không bắt mắt, giá thành cao dẫn đến việc nông dân không mặn mà. Chưa kể, thói quen của người tiêu dùng chủ yếu mua sản phẩm tại chợ truyền thống, chợ cóc, nên chưa góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều cửa hàng nông sản tiện ích...

Tạo cơ chế phối hợp tốt

Trước những khó khăn trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản với các tỉnh, thành phố. Đồng thời, phối hợp định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản của các tỉnh, thành phố đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố. Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác phối hợp trong lĩnh vực xúc tiến thương mại nông nghiệp thông qua hội chợ và tổ chức chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành phố nhằm trao đổi nhu cầu hợp tác, kết nối đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn.

Từ kết quả kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, ông Chu Phú Mỹ đề xuất Bộ NN&PTNT tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai chương trình ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn trong chia sẻ thông tin về cơ chế, chính sách, sản phẩm đặc sản, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của từng địa phương với ngành Nông nghiệp Hà Nội; gắn chặt liên kết vùng để tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP. Các địa phương cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm để cung cấp cho doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng nhận biết, yên tâm khi sử dụng.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Chữ, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green đề xuất, TP Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho cơ sở, doanh nghiệp xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn để các tỉnh, thành phố trong cả nước được bố trí giới thiệu quảng bá sản phẩm đặc sản vùng miền, nông sản an toàn của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội; từng bước hình thành chợ đấu giá, phân phối hàng hóa nông sản và đặc sản vùng miền của cả nước tại Hà Nội. Các doanh nghiệp mong muốn thành phố quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện cho tham gia đầu tư dự án xây dựng hạ tầng khu sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn nhằm hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, để các tỉnh, thành phố đến tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm nhằm đưa ngành Nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối tiêu thụ nông sản an toàn: Gỡ khó từ nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.