Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tinh giản bộ máy, nâng chất lượng nghiệp vụ

Thanh Hiền| 23/08/2018 07:02

(HNM) - Kế thừa và phát triển từ lực lượng hiện có, việc kiện toàn lại cơ cấu, tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường được thực hiện thống nhất trên nguyên tắc tinh giản bộ máy, nâng chất lượng nghiệp vụ và không phát sinh đầu mối, biên chế.

Lực lượng quản lý thị trường sẽ được tổ chức lại để hoạt động hiệu quả hơn.


Thay đổi cả "lượng" và "chất"

Theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg, tại trung ương sẽ tinh giản từ 11 đơn vị xuống còn 6 đơn vị (giảm 45,5%). Tại địa phương, đối với lực lượng quản lý thị trường cấp tỉnh thực hiện theo lộ trình đến hết năm 2019 sẽ tinh giản từ 63 đơn vị xuống còn 44 đơn vị thông qua phương án sắp xếp lại một số Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, thành Cục Quản lý thị trường liên tỉnh. Cụ thể, Bộ Công Thương sắp xếp 38 Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xuống còn 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh (tương đương giảm 30%).

Đối với lực lượng quản lý thị trường cấp huyện sẽ tiến hành tinh giản tổ chức bộ máy theo lộ trình sắp xếp lại các Đội Quản lý thị trường cấp huyện thành các Đội Quản lý thị trường liên huyện theo mục tiêu giảm 305 đội (giảm 45%) từ 2018-2020. Đặc biệt, trong lần tinh giản này, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ không có tổ chức cấp phòng trong Vụ, Cục và các Đội.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) Lý Quốc Hùng cho biết, việc kiện toàn lại tổ chức Tổng cục Quản lý thị trường trên cơ sở kế thừa và phát triển tổ chức hiện có nhằm thống nhất mối quan hệ chỉ đạo, điều hành từ trung ương đến địa phương; giữ ổn định, tránh xáo trộn, không phát sinh tăng đầu mối, biên chế và bảo đảm vận hành ngay, đạt hiệu quả cao.

Có thể nói, việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường theo mô hình ngành dọc là sự nâng cấp về địa vị pháp lý của cơ quan quản lý thị trường trung ương và cơ quan quản lý thị trường địa phương tương tự các lực lượng khác có cùng chức năng, nhiệm vụ, như thuế, hải quan… Qua đó, góp phần khắc phục những vướng mắc, bất cập về tình trạng "cắt khúc" theo địa giới hành chính trong chỉ đạo điều hành của lực lượng quản lý thị trường; khắc phục sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng công chức và trang bị phương tiện làm việc cho lực lượng quản lý thị trường giữa các địa phương hiện nay.

Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh Cao Xuân Lộc nhận định, với cơ cấu mới, vai trò của người lãnh đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương phải cao hơn nữa và lực lượng cũng phải thay đổi cả về lượng và chất.

Không để xảy ra những “khoảng trống”

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cần tập trung nâng cao năng lực, bảo đảm tinh thông về nghiệp vụ… Những hành vi tắc trách vì sự thiếu hiểu biết chuyên môn, hành vi có dấu hiệu trục lợi, cấu kết đối với những hành vi vi phạm pháp luật để "dung dưỡng" các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại sẽ bị xử lý nghiêm.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra trước tiên đối với lực lượng quản lý thị trường là quán triệt những yêu cầu, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc khẩn trương triển khai bộ máy quản lý thị trường cấp tổng cục trên cơ sở tiếp quản bộ máy tổ chức hiện nay của các chi cục quản lý thị trường ở các địa phương; khẩn trương bàn giao với UBND các tỉnh, địa phương, các thành phố trực thuộc trung ương, không để xảy ra những “khoảng trống” về pháp lý tại các địa bàn.

Từ nay đến ngày 12-10, Bộ Công Thương sẽ sớm có các quyết định quy định về thủ tục hành chính nhằm bảo đảm chế độ, chính sách, điều kiện làm việc cho các cán bộ quản lý thị trường ở địa phương.

Theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh giản bộ máy, nâng chất lượng nghiệp vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.