Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng "xách tay": Cách nào kiểm soát hiệu quả?

Thanh Hiền| 11/09/2018 06:33

(HNM) - Thời gian qua, các lực lượng chức năng của Hà Nội liên tục ra quân kiểm tra, kiểm soát; phát hiện, xử lý nhiều sai phạm về hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng...


Việc kinh doanh hàng ”xách tay” cần được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.


Hàng lậu trá hình

Tại cửa hàng bán đồ trẻ em trên phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), có khoảng chục loại sữa và nhiều loại thực phẩm chức năng được giới thiệu là hàng xách tay từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Chủ cửa hàng giới thiệu, có cả nguồn hàng của tiếp viên hàng không và hàng đặt gửi qua đường chuyển phát nhanh. Để xác định thật - giả, nhất là đối với các mặt hàng như sữa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… người mua hàng có thể kiểm tra qua mã code… Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Ngọc Lan, một người chuyên kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng và hàng thời trang, những thông tin này ở một số mặt hàng không khó để tẩy xóa, "phù phép" lại. Thời trang, túi xách, nước hoa là những mặt hàng "xách tay" được nhiều người tìm mua, nhưng cũng dễ bị trà trộn hàng nhái. Để phân biệt thật - giả, cách tốt nhất là yêu cầu gửi kèm hóa đơn mua hàng từ nước ngoài.

Ngoài những cửa hàng bán đồ "xách tay" mọc lên khắp các tuyến phố, thì nhiều shop online (bán hàng qua mạng) cũng đua nhau xuất hiện trên các diễn đàn, website rao vặt,... Trong đó, phổ biến hơn cả là mặt hàng quần áo, nước hoa, đồng hồ... Tuy nhiên, giá bán giữa các địa chỉ cũng rất khác nhau, thậm chí chênh lệch từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.

Một người chuyên kinh doanh hàng "xách tay" cho biết, ngoài lãi nhờ “né” thuế do hàng được mang vào Việt Nam dưới dạng hành lý, quà tặng, các chủ hàng thường chờ cơ hội mua hàng khuyến mãi tại nước ngoài để gom hàng mang về nước bán.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (cũ), hàng "xách tay" là hàng lậu. Thị trường hàng "xách tay" hoạt động công khai, tràn lan không phải chỉ trong 1-2 năm gần đây, mà đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Với những hình thức chuyển hàng như vậy, nhiều tỷ đồng hàng hóa đã được vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ, mà không phải đóng bất kỳ loại thuế nào.

Phối hợp chặt, tăng kiểm tra

Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng mỹ phẩm thu giữ tại quận Hà Đông.


Thực tế, thời gian qua, mối liên kết giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện hàng giả đội lốt hàng "xách tay" còn chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Trong khi nhu cầu kinh doanh, tiêu dùng ngày càng gia tăng, khiến cho việc kiểm soát gặp không ít khó khăn. Ông Trịnh Quang Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, tại không ít cửa hàng, rất nhiều sản phẩm không có tem, nhãn, xuất xứ ghi bằng tiếng Việt. Trong khi theo quy định, đối với mỹ phẩm nhập khẩu để được phép lưu thông trên thị trường bắt buộc phải có phiếu tiếp nhận và công bố chất lượng sản phẩm hàng hóa của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Ngoài ra, hàng hóa nếu bày bán phải có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, đặc biệt phải ghi nhãn hàng hóa, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt theo quy định. Qua kiểm tra, các trường hợp hàng hóa không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, tem nhãn phụ tiếng Việt theo quy định đều bị lực lượng quản lý thị trường tịch thu, tiêu hủy.

Không riêng Hà Nội, giữa tháng 8 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường TP Hải Phòng phối hợp với Công an Hải Phòng đã kiểm tra đột xuất một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, tại phường Phù Liễn, quận Kiến An, phát hiện 65 thùng chứa các loại mỹ phẩm (tổng khối lượng gần 2 tấn) gồm dầu gội đầu, sản phẩm làm trắng da, sữa tắm mang nhãn hiệu nước ngoài, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc sản phẩm.

Trước tình trạng gia tăng việc kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa dưới dạng "xách tay", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã chỉ đạo 5 bộ: Tài chính, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tăng cường quản lý đối với hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng từ nước ngoài vào Việt Nam nhằm ngăn chặn hàng nhập lậu, trốn thuế. Thực hiện chỉ đạo này, UBND TP Hà Nội đã có văn bản, yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan xác lập chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm buôn lậu; tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát các địa điểm bày bán hàng hóa “xách tay”, việc rao bán hàng hóa trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội...

Đặc biệt, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất. Đối với những cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc có dấu hiệu tiêu cực phải điều chuyển, bố trí công tác khác và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trịnh Quang Đức cho biết, theo chỉ đạo của thành phố, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, xác lập các chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm buôn lậu, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng, các mặt hàng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hàng "xách tay": Cách nào kiểm soát hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.