Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi dậy sức dân

Nguyễn Mai| 14/09/2018 06:51

(HNM) - Sau 3 năm TP Hà Nội thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016-2018, sức dân tiếp tục được khơi dậy tham gia xây dựng nông thôn mới...

Người dân phấn khởi tham gia

Chung sức xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Phạm Văn Xuân, thôn Bạch Thạch, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai đã hiến 72m2 đất mặt đường liên huyện, trị giá khoảng 700 triệu đồng để xã mở rộng đường giao thông nông thôn. Không chỉ hiến đất, gia đình ông còn tự tháo dỡ cổng, tường bao mới xây trị giá 30 triệu đồng để chính quyền địa phương xây dựng công trình phúc lợi. Ông Xuân vui vẻ nói: "Việc làm của tôi là mong muốn được cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng xã khang trang, to đẹp hơn".

Đường hoa ở xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên.


Không riêng gia đình ông Xuân, triển khai xây dựng nông thôn mới, nhân dân xã Hòa Thạch đã tự nguyện đóng góp hơn 1 tỷ đồng để kiến thiết hạ tầng nông thôn. Ngoài ra, xã Hòa Thạch có hơn 100 hộ gia đình hiến khoảng 10.000m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi cùng hơn 1.000 ngày công lao động. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hòa Thạch Phùng Văn Lĩnh cho biết, với sự chung sức của người dân, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2017 và qua khảo sát, có hơn 98% người dân xã Hòa Thạch hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Còn tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, địa phương này cũng có nhiều cách làm cụ thể để động viên nhân dân đoàn kết cùng chung sức xây dựng quê hương, như: Cải tạo môi trường, làm đường giao thông, trồng hoa, cây cảnh, xây dựng cổng chào... Theo Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Hữu Quy, riêng năm 2017, xã đã thu được hơn 5,8 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa đầu tư nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.

Hay tại huyện Phú Xuyên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã phối hợp tích cực với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện vận động nhân dân dùng nước sạch; xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; duy trì hoạt động giữ gìn vệ sinh, làm sạch đẹp đường làng, ngõ xóm... Đến nay, Phú Xuyên đã xây dựng được nhiều tuyến đường hoa sạch, đẹp, tiêu biểu là các xã: Đại Thắng, Tri Thủy, Minh Tân, Quang Lãng, Chuyên Mỹ, Hồng Minh, Sơn Hà...

Nhiều cách làm sáng tạo, dân chủ


Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, hằng năm, thành phố đều quan tâm và dành nguồn lực đáng kể đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Tính từ năm 2016 đến nay, tổng kinh phí huy động cho xây dựng nông thôn mới toàn thành phố là hơn 25.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới với số tiền thu được hơn 2.248,9 tỷ đồng. Tiêu biểu cho phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016 đến nay đã có 234 cá nhân, hộ gia đình đóng góp từ hơn 100 triệu đồng trở lên để xây dựng nông thôn mới.

Từ chủ trương chung, mỗi địa phương lại có cách làm sáng tạo, cụ thể để phát huy tình đoàn kết, chung sức xây dựng nông thôn mới trong nhân dân. Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hòa Thạch Phùng Văn Lĩnh, cách làm của xã là triển khai đến các Ban Công tác Mặt trận của thôn phối hợp cùng chi bộ, trưởng thôn và các hội đoàn thể vận động từng hộ gia đình. Được họp, bàn công khai, minh bạch và nhìn thấy hiệu quả, nhân dân rất phấn khởi, tự giác tham gia.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã trên địa bàn huyện đều đưa việc thực hiện xây dựng nông thôn mới vào chủ đề của hội nghị đại biểu nhân dân ở các khu dân cư, tích cực vận động nhân dân thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhờ vậy phong trào đạt kết quả cao. Đến nay, phong trào xây dựng các tuyến "đường có hoa”, “đường bích họa”, cải tạo ao môi trường... trên địa bàn huyện Đan Phượng chủ yếu là từ nguồn vốn xã hội hóa do nhân dân đóng góp. Không chỉ có vậy, người dân ở đây còn đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, đoàn kết chấp hành pháp luật...

Còn tại huyện Phúc Thọ, hằng năm, đều tổ chức ngày hội sinh hoạt cộng đồng tại 178 cụm dân cư để nhân dân cùng thảo luận các chủ đề như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện cuộc vận động “ba sạch” do huyện phát động… Qua sinh hoạt cộng đồng đã góp phần tạo sự đoàn kết trong nhân dân và mọi người dân của huyện đều hưởng ứng tham gia...

Thực tế cho thấy, đến nay Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đi vào đời sống, khơi dậy tinh thần toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm sáng tạo, công khai, dân chủ. Từ đây, tạo thành phong trào sôi nổi, cổ vũ, động viên, lan tỏa ra cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng quê hương, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần đưa Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với 4 huyện (Đan Phượng, Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh) và 294 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 76,1% tổng số xã trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi dậy sức dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.