Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp tác xã nông nghiệp: Khó tiếp cận vốn vay

Ngọc Quỳnh| 14/09/2018 07:02

(HNM) - Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho hợp tác xã nông nghiệp vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cả nước hiện có 20.767 hợp tác xã nhưng chỉ có 2% được tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất. Nguyên nhân là do hợp tác xã không có tài sản thế chấp, cầm cố vay vốn ngân hàng. Mặt khác, một số hợp tác xã có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, nhưng không được ngân hàng cho vay vốn vì không bảo đảm tính pháp lý.

Xã viên Hợp tác xã Rau an toàn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) gặp khó khăn trong vay vốn phát triển sản xuất.


Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh Vũ Văn Kỳ cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó quy định tối đa cho vay một tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Vậy nhưng, khi vay vốn, ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp, trong khi đó tài sản của đơn vị không có, trụ sở làm việc phải ở nhờ UBND xã, máy móc phục vụ sản xuất đều lạc hậu. Do vậy, hợp tác xã phải tự huy động nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, các ngân hàng phối hợp với cơ quan chức năng tháo gỡ về nguồn vốn vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Mức lãi suất cho vay nông nghiệp hiện nay đã giảm hơn một nửa so với thời điểm cuối năm 2012 đầu năm 2013. Cụ thể, đầu năm 2013, lãi suất cho vay khoảng 14%/năm thì hiện nay còn dưới 6,5%/năm. Tuy nhiên, có những trường hợp, nông dân, hợp tác xã đến các ngân hàng vay vốn nhưng không vay được do thiếu tài sản bảo đảm, nhiều đơn vị cũng không đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh, dự án đầu tư khả thi...

Không chỉ khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã còn khiêm tốn, quy mô nhỏ, cả nước có 48 quỹ, với số vốn điều lệ hơn 800 tỷ đồng, số vốn lưu động hơn 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoảng 50% quỹ có mức vốn dưới 10 tỷ đồng, thậm chí có quỹ vốn điều lệ chỉ từ 1 đến 2 tỷ đồng, nên chưa thực sự trở thành “bà đỡ” cho hợp tác xã để vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã TP Hà Nội Vũ Mạnh Nam cho biết, tổng nguồn vốn của Quỹ là 133 tỷ đồng, qua 10 năm hoạt động đã hỗ trợ, hướng dẫn thành lập mới 788 tổ hợp tác và 2.887 dự án của hợp tác xã. Nhưng việc cho vay của Quỹ gặp khó khăn do các hợp tác xã không có tài sản thế chấp, tính thanh khoản không cao nên không đủ điều kiện vay vốn.

Để giải bài toán về vốn vaycho thành viên, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, các tỉnh, thành phố nên có kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, người lao động nâng cao công tác quản trị, kế toán cho hợp tác xã. Cùng với đó, các hợp tác xã phải nâng cao năng lực hoạt động, tham gia chuỗi giá trị để được hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, phân bón, con giống… Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tư vấn và hỗ trợ 200 triệu đồng cho mỗi mô hình chuỗi giá trị để làm bước đệm ban đầu cho hợp tác xã tham gia đào tạo nhân lực, ký kết các hợp đồng tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, xúc tiến thương mại...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác xã nông nghiệp: Khó tiếp cận vốn vay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.