Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau 10 năm thực hiện nghị quyết về "tam nông" tại Hà Nội: Đổi thay toàn diện

Nguyễn Mai| 21/09/2018 06:44

(HNM) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (ngày 5-8-2008), đã giúp khu vực nông thôn Hà Nội đổi thay toàn diện.

Mô hình trồng nấm công nghệ cao ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn.


Những thành tựu to lớn

Mô hình trồng nấm của hộ gia đình anh Triệu Quang Trung ở xã Minh Phú có quy mô gần 5.000m2, với tổng mức đầu tư gần 26 tỷ đồng là một trong những mô hình tiêu biểu áp dụng công nghệ cao vào sản xuất ở huyện Sóc Sơn. Trang trại này đang cung cấp ra thị trường 1.200kg nấm/ngày với các loại nấm: Sò yến, đùi gà, ngọc châm và linh chi. Nhờ áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất khép kín nên chất lượng nấm của gia đình anh Trung sản xuất được nhiều doanh nghiệp, cơ sở ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Trang trại của gia đình anh Trung chỉ là một trong nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn TP Hà Nội. Từ chỗ chưa có mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sau 10 năm toàn thành phố đã có 123 mô hình.

Đáng chú ý, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) ở Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 của thành phố đạt 41.741 tỷ đồng, tăng 207,3% so với năm 2008. Cơ cấu sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ. Trong sản xuất nông nghiệp, đàn gia cầm có sự tăng trưởng nhảy vọt, tăng 190%, thịt gia cầm xuất chuồng tăng 162%... Nhờ đó, so với thời điểm năm 2008, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn thành phố hiện nay đã đạt 43,16 triệu đồng/năm, tăng 5,4 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,1% xuống còn 2,57%.

Đặc biệt, Hà Nội được Trung ương đánh giá là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với 4/18 huyện, thị xã (chiếm 22,2%) và 294/386 xã (chiếm 76,1%) đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn thành phố đã xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo 8.044km đường giao thông nông thôn; xây dựng mới, cải tạo 1.317 trường học 3 cấp và hàng nghìn nhà văn hóa ở các xã..., qua đó giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Điển hình là huyện Đan Phượng, với 100% số xã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của TP Hà Nội. Hiện nay, địa phương này đang tích cực triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Chuyển từ nhận thức tới hành động

Có thể thấy, cái được lớn nhất của Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ là xác lập được hệ thống đồng bộ các giải pháp sát với thực tế. Trong 10 năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành 27 văn bản chỉ đạo, HĐND thành phố ban hành 7 nghị quyết và UBND thành phố ban hành 88 chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế chính sách để tổ chức thực hiện nghị quyết của Trung ương.

Để nâng cao thu nhập cho nông dân, UBND thành phố cũng đã ban hành quyết định về việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, thành phố ban hành, tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển “tam nông” như: Khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung giai đoạn 2014-2020; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; duy trì, phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; phát triển sản xuất và tiêu thụ chè; phát triển một số loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao... Đây là cơ sở để tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của "tam nông", các sở, ban, ngành thành phố và UBND các huyện, thị xã cũng đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ hiệu quả. Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho hay: Huyện đã tập trung cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước... Huyện Đan Phượng cũng bám sát vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của thành phố để có những vận dụng sáng tạo, như: Hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn; xây dựng nông thôn mới nâng cao gồm đặt tên đường, đánh biển số nhà, trồng hoa, vẽ tranh, bảo vệ môi trường...

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Thành ủy Hà Nội tiếp tục khẳng định, "tam nông" luôn có vị trí và vai trò quan trọng đối với Hà Nội. Trên cơ sở kết quả đạt được, thành phố đặt mục tiêu, từ nay đến năm 2025, tiếp tục củng cố phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững, giá trị cao, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thành phố cũng duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới ở các xã đã đạt chuẩn, phấn đấu đến năm 2025, toàn thành phố có 100% các huyện đạt chuẩn nông thôn mới; hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ; hệ thống chính trị vững mạnh, an toàn xã hội; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 60 triệu đồng/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau 10 năm thực hiện nghị quyết về "tam nông" tại Hà Nội: Đổi thay toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.