Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn, phát triển cây dược liệu

Sơn Tùng| 21/09/2018 06:56

(HNM) - Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu của Hà Nội đang gặp không ít khó khăn, thách thức.


Khu vực miền núi các huyện Ba Vì, Mỹ Đức... của Hà Nội có nhiều tiềm năng và thế mạnh về trồng cây dược liệu. Thực tế cho thấy, giá trị kinh tế đem lại từ việc trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác. Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thành phố luôn khuyến khích phát triển công nghiệp dược liệu để mở ra hướng làm giàu cho nông dân. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng đã triển khai nhiều dự án bảo tồn, phát triển vùng dược liệu ở huyện Ba Vì. Tuy nhiên, lĩnh vực này phát triển còn chậm, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị kinh tế.


Vườn bảo tồn các loại dược liệu quý rộng hơn 20ha với trên 360 loại được đầu tư bài bản của Công ty cổ phần Ao Vua.


Trong bối cảnh đó, Công ty cổ phần Ao Vua ở huyện Ba Vì đã đầu tư ban đầu 20 tỷ đồng bảo tồn, nhân giống xây dựng thành công vườn dược liệu quy mô 20ha với hơn 360 loài, trong đó có nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên do khai thác quá mức. Đây được đánh giá là một trong những vườn dược liệu lớn nhất khu vực phía Bắc. Doanh nghiệp này kỳ vọng, từ thành công của việc bảo tồn, nhân giống dược liệu quý, sẽ phối hợp với các nhà khoa học, đơn vị quản lý… tiến tới mở rộng vùng nguyên liệu ra hàng nghìn héc ta. Doanh nghiệp cũng cam kết thu mua, sơ chế dược liệu thành nguyên liệu tinh, một mặt phục vụ doanh nghiệp dược trong nước để không phải nhập khẩu với giá cao, chất lượng không bảo đảm và tiến tới xuất khẩu.

Tiến sĩ Lê Hưng Quốc, nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông - Khuyến lâm quốc gia (cũ), nay là Trung tâm Khuyến nông quốc gia thuộc Bộ NN&PTNT cho hay, nhiều năm qua, ngành dược liệu của Hà Nội phát triển tự phát, nhỏ lẻ, manh mún dẫn tới bị bỏ ngỏ tiềm năng, do thiếu vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thu mua bao tiêu sản phẩm, đồng thời đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản, thì khi đó ngành dược liệu Hà Nội sẽ mang tới đa lợi ích, hơn hết là mở hướng làm giàu cho nông dân. Ông Lê Hưng Quốc kỳ vọng dự án thảo dược của Công ty cổ phần Ao Vua sẽ là mô hình điểm của Hà Nội, mở ra hướng đi mới cho ngành thảo dược Thủ đô và các tỉnh lân cận.

Hiện nay, do sử dụng thuốc tây khá phổ biến và hậu quả là tình trạng kháng kháng sinh diễn ra nhiều, khó kiểm soát. Mặt khác, thị trường thực phẩm chức năng thật giả lẫn lộn như hiện nay, nhiều người bỏ ra cả triệu đồng để mua những lọ thực phẩm chức năng được quảng cáo rầm rộ như đẹp da, trẻ hóa, hỗ trợ điều trị ung thư nhưng lại không kiểm soát được chất lượng. Ông Nguyễn Xuân Đại cho rằng, để phát triển cây dược liệu một cách bền vững, cần sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành. Theo đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển cây dược liệu, trong đó có nguồn vốn để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể đầu tư phát triển vùng trồng, sơ chế, chế biến dược liệu và sản xuất các sản phẩm từ dược liệu.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua, việc quay trở lại sử dụng các loại kháng sinh tự nhiên bền vững đang là xu thế của nhiều người. Do đó, doanh nghiệp kỳ vọng với sự vào cuộc của các ngành và các chính sách khuyến khích phát triển cây dược liệu của Chính phủ, dự án của doanh nghiệp sẽ trở thành một trong những dự án trọng điểm của khu vực phía Bắc, góp phần vào sự phát triển lên một tầm cao mới cho ngành dược liệu Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, phát triển cây dược liệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.