Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp nông dân gắn bó với ruộng đồng

Ngọc Quỳnh| 21/09/2018 06:59

(HNM) - Sau khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, huyện Quốc Oai đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp nông dân gắn bó với ruộng đồng.

Chăn nuôi gà ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Bá Hoạt


Với những chính sách ưu tiên, sự đầu tư có trọng điểm, đến nay huyện Quốc Oai đã có hơn 400 trang trại chăn nuôi, trồng trọt có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Đơn cử như ở xã Cấn Hữu đã có không ít hộ gia đình có thu nhập tiền tỷ từ làm trang trại. Anh Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Cấn Hữu cho hay: "Trước đây, do diện tích đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ nên làm gì cũng khó, hiệu quả thấp. Kể từ khi chính quyền địa phương tiến hành dồn điền đổi thửa nên gia đình tôi đã có 1,3ha đất nông nghiệp để thành lập trang trại chăn nuôi 100 con lợn nái, 500 con lợn thịt và hơn 20.000 con gà đẻ trứng. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm, trang trại cho thu nhập gần 10 tỷ đồng".

Không riêng Cấn Hữu, nhiều xã trên địa bàn huyện Quốc Oai đã phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó có mô hình quản lý khép kín chuỗi giá trị sản xuất - cung ứng thịt lợn sạch và mô hình chuyên canh rau an toàn tại xã Tân Phú, Nghĩa Hương, cho thu nhập từ 250 đến 350 triệu đồng/ha/năm. Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, trên cơ sở quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với diện tích 2.702ha, 16 xã trên địa bàn huyện đã tập trung chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, một số mô hình chuyển đổi đã đạt kết quả cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa.

Tuy nhiên, trong phát triển nông nghiệp, huyện Quốc Oai vẫn gặp khó khăn, do một số hợp tác xã nông nghiệp đã đổi mới nhưng hiệu quả còn thấp. Nhiều nông sản của huyện vẫn chưa xây dựng được thương hiệu. Công tác quản lý quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở một số xã còn hạn chế. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn chưa xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, trong định hướng phát triển nông nghiệp, huyện Quốc Oai tiếp tục thực hiện chủ trương của thành phố, là đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững và an toàn thực phẩm.

Ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, mục tiêu của huyện đến năm 2020, giảm diện tích trồng lúa còn từ 4.300 đến 4.400ha, trong đó, diện tích trồng lúa chất lượng cao khoảng 2.500ha, chiếm khoảng 60%. Huyện sẽ tập trung mở rộng diện tích trồng cây ăn quả với hơn 1.300ha, hình thành từ 6 đến 7 khu trồng cây ăn quả chuyên canh tập trung với diện tích từ 50ha trở lên. Cùng với đó, duy trì ổn định và phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò thịt, chuỗi chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn tại các xã vùng bán sơn địa với quy mô từ 2.700 đến 2.800 con. Huyện cũng sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật để nâng cao chất lượng 2 khu chăn nuôi trọng điểm, an toàn sinh học ở xã Cấn Hữu và Cộng Hòa, từng bước đưa chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư.

Ngoài ra, huyện Quốc Oai tạo mọi điều kiện thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm; gắn phát triển sản xuất hàng hóa vùng chuyên canh với thị trường; khuyến khích sản xuất hàng hóa theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, huyện đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm tại các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp nông dân gắn bó với ruộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.