Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung kiềm chế lạm phát

Hồng Sơn| 21/09/2018 07:12

(HNM) - Tình hình kiểm soát lạm phát từ đầu năm 2018 đến nay diễn ra không mấy thuận lợi, với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hầu hết tăng qua các tháng, đặc biệt từ tháng 6 đến nay.

Kiềm chế chỉ số CPI là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Thái Hiền


Đơn cử, CPI tháng 6-2018 đã tăng 0,61% so với tháng trước, là tháng có mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu của sự tăng giá là do biến động giá xăng dầu, khí đốt trên thị trường quốc tế, điều chỉnh giá một số mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý... Tuy nhiên, tháng 7-2018 CPI lại giảm 0,09% so với tháng trước, tuy nhiên mức giảm này rất nhỏ, không thể bù đắp được so với mức tăng rất mạnh trong tháng 6. Bước sang tháng 8, CPI lại quay về với “thói quen” tăng qua các tháng và đã tăng 0,45% so với tháng 7, khiến CPI bình quân của 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, dư địa cho hoạt động điều hành, kiểm soát CPI tăng ở mức dưới 4% của năm 2018 ngày càng trở nên hạn hẹp hơn.

Do đó, vấn đề đặt ra là làm sao giữ lạm phát ổn định, đặc biệt khống chế để CPI không tăng mạnh, thậm chí giảm càng tốt. Trước hết, giá xăng dầu vẫn là ẩn số và hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến cung - cầu trên thị trường thế giới. Vì vậy, nền kinh tế Việt Nam nói chung và giá xăng dầu sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, bị động trước vấn đề này. Từ đó, phương án lựa chọn là triệt để sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bù đắp cho chi phí đầu vào, góp phần giữ ổn định giá xăng dầu trên thị trường nội địa.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát để đẩy nhanh thực hiện giảm giá các mặt hàng có khả năng giảm, như dịch vụ sử dụng đường bộ - BOT, thuốc chữa bệnh, vật tư y tế. Với các mặt hàng mà giá có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, cơ quan quản lý cần rà soát, đánh giá về cung - cầu trên thị trường, dự báo kịp thời để tham mưu các biện pháp điều hành phù hợp.

Nhằm chủ động kiểm soát lạm phát hiệu quả, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung theo dõi sát sao diễn biến thị trường, bảo đảm quan hệ cung - cầu những mặt hàng thiết yếu và giá cả trên thị trường; tránh sự thay đổi đột ngột.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, cần chủ động khai thác một số yếu tố có lợi, có thể kìm giữ đà tăng giá như giá lương thực, cước bưu chính viễn thông, thuốc và dịch vụ y tế... Trong đó, cần triệt để thực hiện đấu thầu thuốc, vật tư y tế; ổn định giá nhóm giáo dục do hoạt động học đường đã qua thời điểm tăng nhu cầu phục vụ năm học mới... Đặc biệt, các địa phương có nguồn nông sản dồi dào nên có phương án khả thi trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ kịp thời, vừa kết hợp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của nhà sản xuất với phân phối hàng hóa hợp lý để hài hòa quan hệ cung - cầu; từ đó tránh tăng giá nông sản cục bộ.

Song, ông Vũ Vinh Phú cũng quan ngại, một số yếu tố tiềm ẩn có thể gây tăng giá thời gian tới như giá thịt lợn đang duy trì xu thế tăng, hoặc “neo” ở mức khá cao; ngân hàng có động thái tăng lãi suất trong khi nhiều hoạt động sản xuất vẫn trên đà tăng trưởng kéo theo nhu cầu lớn về nguyên liệu, vật tư đầu vào... Vì vậy, cần lưu ý việc kiểm soát, chống tăng giá một cách bất hợp lý, không nên áp dụng chung đối với mỗi mặt hàng. Ngoài ra cần rà soát, kiểm tra thực tế để nắm rõ diễn biến cung - cầu trên thị trường cũng như chất lượng hàng hóa để xác định chính xác giá bán bao nhiêu là hợp lý... Xét trên bình diện chung, cần làm tốt mối liên kết giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng, bảo đảm sự lành mạnh của thị trường, loại bỏ các khâu trung gian để kiểm soát giá một cách hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung kiềm chế lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.