Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng hợp tác xã kiểu mới gắn với nông thôn mới

Quỳnh Dung| 26/09/2018 06:44

(HNM) - Thời gian qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã và đang phát huy vai trò hợp tác xã, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, để hợp tác xã phát triển đúng hướng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, cần sự hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, đào tạo cán bộ… giúp hợp tác xã thay đổi về chất, phát triển hiệu quả, bền vững.

Mô hình trồng khoai lang ở Hợp tác xã Kinh doanh và dịch vụ khoai lang Tri Lai, xã Đồng Thái (huyện Ba Vì).



Củng cố, phát triển hợp tác xã

Theo Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội, năm 2018, Liên minh tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện củng cố 28 hợp tác xã tại 28 xã xây dựng nông thôn mới thuộc 10 huyện nhằm đáp ứng tiêu chí số 13 - Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhìn chung, sau khi được củng cố, hợp tác xã nông nghiệp tiếp tục phát huy mạnh vai trò kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới, tham gia xây dựng, phát triển các công trình, kết cấu hạ tầng, phúc lợi công cộng. Nhiều hợp tác xã đã mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh mới, thực hiện đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tập thể như: Gạo chất lượng cao T10 tại Hợp tác xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên); gạo nếp cái hoa vàng của Hợp tác xã Liên Hà (huyện Đông Anh); khoai lang Hoàng Long của Hợp tác xã Tri Lai, xã Đồng Thái (huyện Ba Vì)... Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội còn phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội, Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới thành phố thẩm định, đánh giá, chấm điểm các tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới hằng năm...

Theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội, từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh đáp ứng các khâu dịch vụ cơ bản cho bà con nông dân, thành viên, nhiều hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã đóng góp ngày công, vật liệu, tài chính cùng với chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo nông thôn ngày càng khang trang và đổi mới. Các hợp tác xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phương thức canh tác, giải quyết việc làm cho nông dân, tham gia đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, tạo thuận lợi trong các khâu sản xuất, cơ cấu giống, nâng cao năng suất cây trồng; phối hợp với chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới...

Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh và Dịch vụ khoai lang Tri Lai, xã Đồng Thái (huyện Ba Vì) Phùng Quốc Lượng cho biết, hợp tác xã không chỉ chủ động phối hợp với xã tham gia vào các công việc xây dựng nông thôn mới, đóng góp sức người, sức của mà để nâng cao thu nhập cho các thành viên, hợp tác xã trực tiếp tham gia quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh trồng khoai lang theo hướng tập trung, liên kết với doanh nghiệp để tìm “đầu ra” cho sản phẩm. Vì vậy, vào những thời điểm khó khăn về khâu tiêu thụ khoai lang, hợp tác xã đã mạnh dạn đề xuất với xã, huyện tổ chức các buổi kết nối, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Qua đó, giá trị đạt hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Hiện tại, thu nhập từ khoai lang chiếm khoảng 30% tổng thu nhập trong các hộ gia đình ở Đồng Thái.

Tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ nông dân

Từ nay đến cuối năm, Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội tiếp tục triển khai kế hoạch củng cố hoạt động hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 ở các xã xây dựng mới. Để nâng cao vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2012, các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cho cán bộ, thành viên nâng cao nhận thức về hợp tác xã kiểu mới. Từ đó, thể hiện rõ vai trò, nhiệm vụ trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương; đồng thời, tuyên truyền, giới thiệu các mô hình hợp tác xã thực hiện hiệu quả để nhân rộng; nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ kinh doanh, nhất là khâu tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã; giao cho hợp tác xã có năng lực, đủ điều kiện tham gia thực hiện các dự án, đề án tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, Liên minh hợp tác xã phối hợp với các huyện tổ chức mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của hợp tác xã nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; hỗ trợ các hợp tác xã tham gia chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đăng ký thương hiệu, quảng bá sản phẩm và tiếp tục phối hợp hỗ trợ cho các hợp tác xã vay vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã…

Có thể nói, hợp tác xã đã, đang và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng hợp tác xã kiểu mới gắn với nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.