Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển vùng trồng rau an toàn Đặng Xá

Trung Nguyên| 30/09/2018 07:41

(HNM) - Đến nay diện tích sản xuất rau, củ, quả an toàn của xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) đã lên đến gần 120ha, trong đó có 10ha được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặng Xá trở thành vùng sản xuất rau an toàn lớn của TP Hà Nội.

Nông dân xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) chăm sóc rau an toàn.


Trước đây, vùng đất canh tác của xã Đặng Xá chủ yếu trồng rau, củ quả truyền thống. Từ năm 2002, Hợp tác xã được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT) hỗ trợ, hướng dẫn cho 24 hộ nông dân kỹ thuật chăm sóc rau, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên diện tích 2ha. Sau một năm, các xã viên Hợp tác xã đã thấy được hiệu quả sản phẩm rau củ quả phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh, an toàn và còn được Chi cục Bảo vệ thực vật hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Thời gian sau, số hộ xã viên tham gia làm rau an toàn nhiều hơn. Năm 2006, diện tích trồng rau an toàn ở Đặng Xá tăng lên 8ha…

Năm 2008, xã Đặng Xá định hướng phát triển vùng bãi Đổng Xuyên làm nơi chuyên canh rau an toàn, với diện tích xấp xỉ 100ha. Vùng bãi có lợi thế chất đất phù sa tốt, nguồn nước sông Đuống tưới cây vừa bảo đảm dinh dưỡng, vừa không bị ô nhiễm bởi tạp chất do xả thải. Chính quyền địa phương và Hợp tác xã đã vận động các xã viên chuyển đổi từ trồng cây kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng rau an toàn với các loại cây: Bắp cải, ngọn bí ngô, súp lơ, cải ăn lá các loại…

Đến năm 2014, Đặng Xá có 90ha canh tác được cấp chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn với hơn 400 hộ xã viên tham gia. “Vấn đề quan trọng là các cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã gắn bó trên đồng ruộng với các xã viên Hợp tác xã liên tục từ năm 2002 đến nay. Mỗi năm, Chi cục tổ chức từ 4 đến 5 đợt tập huấn quy trình, kiến thức sản xuất rau an toàn cho hàng trăm lượt hộ xã viên. Hợp tác xã còn được Chi cục hướng dẫn thành lập tổ thu gom tàn dư thực vật sau thu hoạch, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý thành phân sinh học. Từ đó hằng năm, Hợp tác xã thu gom, xử lý được hơn 10 tấn tàn dư thực vật, giúp đồng ruộng xanh, sạch và tận dụng tàn dư thực vật làm phân bón” - Giám đốc Nguyễn Tuấn Khanh chia sẻ.

Năm 2015, Hợp tác xã được thành phố đầu tư dự án QSEAP, xây dựng một số hạng mục phục vụ quá trình sản xuất rau an toàn như: Nhà sơ chế có diện tích 430m2 nằm trong khuôn viên 1.800m2, đường lưới điện phục vụ sản xuất, bể chứa nước, bể ủ phân với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Hợp tác xã phối hợp với Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT) triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP với diện tích 10ha, tại vùng bãi Đổng Xuyên hơn 100 hộ xã viên tham gia…

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: Để hỗ trợ nông dân xã Đặng Xá trồng rau an toàn, nhiều năm qua, Chi cục tổ chức các lớp IPM về quản lý phòng trừ dịch hại trên cây trồng nhằm hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; triển khai nhiều mô hình ứng dụng bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang trên cây bắp cải, mô hình che phủ ni lông trên cây rau cải, su hào trái vụ… cho hàng trăm lượt nông dân tham gia. Ngoài ra, Chi cục còn chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật thường xuyên cử cán bộ xuống đồng trực tiếp cùng Hợp tác xã kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của các hộ sản xuất…

“Với ưu điểm gần vùng nội thành, có thị trường tiêu thụ lớn, cùng với sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật và nông dân nâng cao trách nhiệm, nên rau an toàn Đặng Xá sản xuất ra bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu. Thậm chí, có những hộ chỉ chuyên trồng bắp cải, cũng cho thu nhập tới 200 triệu đồng/năm” - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đặng Xá Nguyễn Tuấn Khanh cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển vùng trồng rau an toàn Đặng Xá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.