Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Lập lại “kỷ cương” quy hoạch đô thị

NGUYỄN LÊ| 01/10/2018 06:39

(HNM) - Sau khi Thanh tra Chính phủ kết luận một số sai phạm trong việc thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), nhiều ý kiến cho rằng việc tuân thủ kỷ cương và công khai trong công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch phát triển đô thị cần được thành phố tăng cường hơn nữa.

Cân nhắc hướng ưu tiên phát triển

Tính đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã có 3 đồ án quy hoạch xây dựng chung thành phố được lập, phê duyệt, điều chỉnh. Trước sức ép về gia tăng dân số, điều kiện địa chất cũng như yêu cầu phát triển đô thị bền vững, TP Hồ Chí Minh đang xem xét điều chỉnh quy hoạch chung lần thứ tư. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, một trong những nội dung quan trọng trong điều chỉnh quy hoạch chung lần này là rà soát, lựa chọn hướng ưu tiên phát triển cho thành phố.

TP Hồ Chí Minh sẽ lập lại kỷ cương, đồng thời công khai trong việc quản lý và thực hiện quy hoạch phát triển đô thị.


Đối với hướng phát triển về phía Đông, thành phố đang nghiên cứu xây dựng đồ án quy hoạch Khu đô thị sáng tạo gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức với trọng tâm là Khu đô thị mới Thủ Thiêm (gọi tắt là Thủ Thiêm). Tuy vậy, theo các chuyên gia, hướng Bắc là hướng cần được nghiên cứu kỹ bởi khu vực này có địa hình cao, dễ thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chi phí xây dựng hạ tầng sẽ tiết kiệm đáng kể.

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cũng vừa kiến nghị xem xét đưa ý tưởng và đề xuất dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn (kết nối trung tâm với Khu đô thị Tây Bắc thành phố) trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung. Còn hướng Nam, là hướng ra biển, cũng cần xem xét phát triển để tận dụng chuỗi giá trị về đô thị cảng, dịch vụ, logistics. Trong khi đó, hướng Tây lại kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong vấn đề quy hoạch đô thị, việc lựa chọn hướng phát triển mang tính sống còn, bởi đó không chỉ là chỗ ở của người dân hôm nay mà còn là tương lai của thành phố.

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, muốn điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung thành phố, phải nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền xem xét, đề nghị điều chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013, sau đó mới điều chỉnh các quy hoạch ngành. UBND thành phố đã giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.

Quy hoạch phải đồng bộ, nhất quán

Nhìn lại quá trình lập, quản lý và thực hiện quy hoạch các khu đô thị mới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong vài thập niên qua cho thấy, có khu đô thị mới đạt được mục tiêu đề ra, có khu đô thị mới còn nhiều lực cản. Nếu như Thủ Thiêm đang gặp một số trở ngại (dù thực hiện sau) thì Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (Phú Mỹ Hưng) đã đạt được thành công nhất định. Theo giới phân tích, thành công của Phú Mỹ Hưng là do có sự đột phá của TP Hồ Chí Minh trong công tác quản lý phát triển đô thị, qua đó phá bỏ quan niệm cứng nhắc của các đồ án quy hoạch đô thị là phải theo ranh giới quản lý hành chính của quận, huyện, phường, xã.

Quy hoạch của Phú Mỹ Hưng tạo điều kiện phát huy được các lợi thế vốn có của khu vực cũng như đạt được các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch đô thị hiện đại. Đồ án quy hoạch Phú Mỹ Hưng được xây dựng với tầm nhìn chiến lược, được nghiên cứu đầy đủ các góc độ về kinh tế - xã hội - môi trường. Hơn nữa, nội dung đồ án quy hoạch thu hút được nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính cũng như về quản lý để sẵn sàng triển khai. Nhờ thế, Phú Mỹ Hưng được công nhận là “Khu đô thị kiểu mẫu” của cả nước.

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia về quy hoạch, TP Hồ Chí Minh có thể học tập bài học từ Phú Mỹ Hưng để xây dựng Thủ Thiêm. “Sau này làm dự án đô thị lớn phải có sự hợp tác, liên doanh để đem lại nguồn thu cho ngân sách... Nhà nước không nên tham gia đầu tư địa ốc mà chỉ làm nhiệm vụ quản lý quy hoạch, điều phối để nhà đầu tư phát triển dự án. Lợi nhuận từ dự án phải được phân bổ hợp lý, một phần được nộp vào ngân sách để phục vụ người dân thành phố”, ông Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế nhận định, quy hoạch là vấn đề cao nhất của quản lý đô thị. Tư duy làm quy hoạch để đem lại nguồn thu từ phát triển các dự án bất động sản rất dễ đi chệch mục tiêu. “3 năm, 5 năm lại thay đổi sẽ phá vỡ quy hoạch, tạo môi trường thuận lợi cho vấn nạn “chạy” quy hoạch. Để tránh điều này, quy hoạch phải có tầm nhìn và ổn định lâu dài”, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nêu quan điểm.

Tại cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng thẳng thắn chỉ ra thực trạng tắc đường, ngập nước và ô nhiễm môi trường trên diện rộng hiện nay cho thấy, quy hoạch và thực hiện quy hoạch đang bất cập, thiếu đồng bộ khiến thành phố phải quản lý theo kiểu “xử lý tình huống”.

Qua đó, người đứng đầu chính quyền thành phố cho rằng, vấn đề lập, quản lý và thực hiện quy hoạch phải đồng bộ và nhất quán. Công tác quy hoạch đô thị cần theo chuẩn mực quốc tế, thỏa mãn được các quyền lợi của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp tăng khả năng triển khai trong thực tế, tạo thuận lợi để quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Lập lại “kỷ cương” quy hoạch đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.