Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý khai thác cát, sỏi

Đỗ Minh| 08/10/2018 06:33

(HNM) - Thời gian qua, các tỉnh, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm siết chặt quản lý trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi.

Lực lượng chức năng bắt giữ một vụ khai thác cát, sỏi trái phép.


Vi phạm diễn biến phức tạp

Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), những năm qua, vi phạm trong khai thác cát trái phép đã giảm đáng kể cả về số vụ và tính chất vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn không ít địa phương, hoạt động khai thác cát đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các vùng giáp ranh trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn...

Theo phản ánh từ các địa phương, đối tượng dùng nhiều thủ đoạn khai thác, không theo quy luật nhất định, khai thác chủ yếu vào ban đêm, sử dụng thuyền nhỏ nhưng lắp máy có công suất lớn, thời gian hút nhanh (chỉ từ 30 đến 40 phút) và thường hoạt động về đêm, giữa các địa bàn giáp ranh... Trong nhiều trường hợp, các đối tượng còn sử dụng "xã hội đen" để cảnh giới, trả thù những ai ngăn cản chúng hành động.

Tại Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, chỉ riêng đợt cao điểm từ tháng 6 đến hết tháng 8 năm 2018, Công an TP Hà Nội đã kiểm tra, bắt giữ 52 vụ khai thác cát trái phép, tạm giữ 57 phương tiện tàu thuyền và tịch thu hàng nghìn mét khối cát. Mới đây nhất, trong đêm 4-10, rạng sáng 5-10, tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an TP Hà Nội) đã bắt quả tang một tàu đang khai thác cát trái phép đoạn qua địa phận quận Tây Hồ và 4 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng đoạn qua địa phận quận Bắc Từ Liêm. Các tàu này có trọng tải hàng nghìn tấn, được trang bị hệ thống máy bơm hút cát hiện đại.

Lý giải về nguyên nhân tình trạng khai thác cát vẫn diễn biến phức tạp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Lại Hồng Thanh cho rằng, thời gian qua, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh ở hầu hết các tỉnh, thành, kéo theo nhu cầu cát phục vụ xây dựng rất lớn.

Đối tượng vi phạm có nhiều hình thức tinh vi, lợi dụng khu vực giáp ranh khi các địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ để hành động...

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn chia sẻ: Phúc Thọ có tuyến sông Hồng giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc. Những năm gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra chủ yếu tại các xã: Vân Nam, Vân Hà… là địa bàn có tuyến sông giáp ranh với huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại những khu vực này, trong khi bên Hà Nội thì cấm, bên UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát nên luôn xảy ra tình trạng đối tượng khai thác cát lợi dụng kẽ hở để tạm lánh về phía được cấp phép khi bị phát hiện vi phạm...

Việc quản lý, xử lý khai thác cát trái phép cũng vì thế gặp nhiều khó khăn, nhất là hoạt động khai thác trái phép thường diễn ra vào đêm tối và các ngày nghỉ, dịp lễ, Tết. Chưa kể, các đối tượng còn sử dụng thiết bị hút với công suất lớn, rút ngắn thời gian khai thác và bố trí người giám sát, theo dõi lực lượng chức năng, thông báo cho nhau để đối phó khi lực lượng chức năng xuất hiện...

Sẽ có nghị định về quản lý cát, sỏi

Các phương tiện khai thác cát tập trung ven sông Hồng, địa phận huyện Phúc Thọ, Hà Nội.


Để siết chặt quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, thời gian qua, các tỉnh, thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, các địa phương đã ban hành hàng loạt các văn bản, chỉ thị chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản. Các quy định của pháp luật đã được phổ biến sâu rộng tới người dân để từ đó người dân giám sát, phát hiện tố giác; cùng chính quyền và các ngành chức năng chủ động phòng, chống các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Các ngành chức năng cũng tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung một số thủ tục nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; công tác thanh, kiểm tra được duy trì thường xuyên tại các địa phương...

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố giáp ranh với nhau đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông. Đơn cử tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội yêu cầu công an thành phố tiếp tục tăng cường phối hợp với công an 8 tỉnh giáp ranh trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm vi phạm về khai thác cát lòng sông...

Để quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định quản lý cát, sỏi lòng sông. Ông Lại Hồng Thanh cho biết, dự thảo Nghị định với nhiều chính sách sẽ giúp các địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.

Theo dự thảo Nghị định, Nhà nước thống nhất quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông theo quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước, pháp luật liên quan.

Nhà nước thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông; đấu thầu thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch; đấu giá khối lượng cát, sỏi lòng sông thu hồi được từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch. Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích sử dụng các khoáng sản có thể sản xuất cát nhân tạo để thay thế cát tự nhiên; nghiêm cấm việc sử dụng cát, sỏi đủ chất lượng cho mục đích san lấp, cải tạo mặt bằng...

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến cuối năm 2017, khai thác cát, sỏi không có giấy phép vẫn diễn ra tại 20 tỉnh, thành phố. Trong tổng số 755 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông được UBND các tỉnh, thành phố cấp phép, chỉ có 87 giấy phép cấp thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản (chiếm tỷ lệ 11,5%).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý khai thác cát, sỏi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.