Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây: Những chuyển biến tích cực

Quỳnh Dung| 09/10/2018 07:07

(HNM) - Các cửa hàng đã quan tâm tới kinh doanh những mặt hàng có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ, tạo lòng tin cho người tiêu dùng bằng chất lượng.

Kiểm tra chất lượng trái cây tại cửa hàng thuộc quận Hà Đông.


Còn khó khăn


Hiện trên địa bàn 12 quận có 806 cửa hàng kinh doanh trái cây, trong đó có 176 cửa hàng chuyên doanh trái cây, 630 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp, trong đó có trái cây. Thành phố đã cấp biển nhận diện cho 752 cửa hàng, đáp ứng các yêu cầu của đề án, đạt 93,3% chỉ tiêu đề ra; đồng thời, triển khai thí điểm mỗi quận một tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè; 86% cửa hàng có thiết bị giám sát chất lượng trái cây; 74% cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây; 99,5% cửa hàng có hóa đơn chứng minh nguồn gốc trái cây...

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh - phụ trách cửa hàng kinh doanh chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm ở Văn Quán (Hà Đông), trước đây người tiêu dùng không yên tâm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm trái cây bán tại cửa hàng, nhưng sau một thời gian, được các ngành chức năng dán tem truy xuất nguồn gốc điện tử, khách hàng dễ dàng nhận biết bằng thiết bị điện tử nên đã yên tâm mua về dùng. Nhờ vậy, lượng trái cây bán tại cửa hàng tăng gấp 2 lần so với cách đây vài năm.

Bên cạnh những mặt đạt được, việc triển khai đề án thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây tại các quận còn khó khăn do thói quen người tiêu dùng “tiện đâu mua đấy”, chưa chú trọng tới nguồn gốc xuất xứ; nhận thức của một số hộ kinh doanh trái cây nhỏ lẻ về đề án này còn hạn chế, chưa phối hợp kịp thời với lực lượng chức năng trong việc hoàn thiện những thủ tục hành chính... Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông Nguyễn Việt Long cho biết, đến nay quận đã hoàn thành việc rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về các cửa hàng kinh doanh trái cây cho 62 cơ sở theo đề án của thành phố.

Tuy nhiên, cả quận mới chỉ có 16/62 cửa hàng được cấp giấy xác nhận cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; 46/62 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm; 59/62 cơ sở có dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ trái cây... Nguyên nhân là do các chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu kinh phí mua sắm thiết bị, dụng cụ bảo quản trái cây; nhiều hộ tận dụng nhà mặt phố, ngõ phố để kinh doanh, nên không ổn định. Một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ không hợp tác với phường trong kê khai, hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định, dẫn tới hạn chế trong cấp giấy xác nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ngoài ra, nhiều sạp bán trái cây ở chợ đầu mối, chợ dân sinh, lòng đường vỉa hè không có tem nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ hơn rất nhiều lần so với sản phẩm bán tại cửa hàng an toàn nên người tiêu dùng vẫn chấp nhận sử dụng...

Tăng cường công tác tuyên truyền

Để đề án tiếp tục đi vào cuộc sống, từng bước nâng cao hiệu quả trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở những cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho rằng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người kinh doanh nắm rõ và phối hợp thực hiện trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Các ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh trái cây, chú trọng xử lý những thương lái kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Các lực lượng của phường phối hợp với công an trong việc chấn chỉnh những cửa hàng bán rong đường phố, vỉa hè, khu vực chợ dân sinh... nếu vi phạm phải có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Các quận xây dựng hệ cơ sở dữ liệu, thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin, số liệu các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn về địa điểm, quy mô kinh doanh, mặt hàng, chủ cơ sở và người lao động… phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Tạ Văn Tường, Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2018, hầu hết chủ cửa hàng kinh doanh được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% cửa hàng bán hoa, quả và người kinh doanh trên địa bàn nội thành phải đăng ký kinh doanh theo quy định; có biển hiệu, đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây; sản phẩm bán phải truy xuất được nguồn gốc xuất xứ... Để đạt mục tiêu này, các quận tổ chức tập huấn cho các cửa hàng kinh doanh trái cây về điều kiện được cấp biển nhận diện; quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh trái cây; rà soát quỹ đất còn trống để giới thiệu, bố trí các hộ kinh doanh trên lòng đường, vỉa hè vào kinh doanh đúng quy định, bảo đảm trật tự và quản lý được chất lượng.

Các đơn vị của Sở tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu giám định chất lượng sản phẩm trái cây bán tại các cơ sở định kỳ, đột xuất hoặc theo phản ánh của người dân, công khai kết quả kiểm nghiệm để người tiêu dùng biết và tẩy chay những cửa hàng vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây: Những chuyển biến tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.