Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Việt Tuấn| 16/10/2018 07:08

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, thành phố triển khai đầu tư xây dựng 55 dự án, công trình trọng điểm...

Dù các chủ đầu tư cùng các sở, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng qua giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cho thấy, việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm còn khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội giám sát các dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


Nhiều dự án chậm do giải phóng mặt bằng

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố rất quan tâm chỉ đạo, ưu tiên mọi nguồn lực cho các công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020. Dù vậy, đa số các dự án đều chậm tiến độ, nguyên nhân không phải thiếu vốn đầu tư, mà chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng thực hiện chưa tốt.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao làm chủ đầu tư hai dự án gồm: Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP Hà Nội - Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (giai đoạn 1) và đầu tư tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích, huyện Ba Vì đều chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố cũng được giao nhiệm vụ theo dõi, quản lý và triển khai thực hiện 29 dự án, công trình trọng điểm, nhưng đến nay mới có 2 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Còn lại đều chậm tiến độ, trong đó có nguyên nhân từ công tác giải phóng mặt bằng tại một số quận, huyện: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Phú Xuyên, Ứng Hòa.

Với 3 dự án trọng điểm giao cho Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội làm chủ đầu tư gồm: Bảo tàng Hà Nội; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu vực thành Cổ Loa; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Trong đó, dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng gặp vướng mắc do UBND quận Ba Đình chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội đang triển khai 3 dự án gồm: Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II và Dự án xây dựng khu công viên, hồ điều hòa CV1 - Khu đô thị mới Cầu Giấy. Cả 3 dự án cũng đều đang gặp vướng mắc, khó khăn, trong đó có việc chậm giải phóng mặt bằng.

Tập trung ưu tiên cho dự án trọng điểm

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Việt Dũng, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020, nhất là đối với nhóm dự án sử dụng vốn ngân sách và nguồn vốn ODA, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và chủ đầu tư tập trung quyết liệt nhằm hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng. Trong đó, UBND thành phố yêu cầu, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND thành phố về tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm trên địa bàn; các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch tiến độ thi công, biện pháp thi công tối ưu cho từng dự án; đồng thời tập trung hoàn thành thủ tục quyết toán dự án đủ điều kiện.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Phạm Hoàng Tuấn cho biết, ngoài khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, hiện tại đối với các dự án trọng điểm đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cũng đang bị nghẽn. Bởi hiện nay, UBND thành phố chưa ban hành quy trình thực hiện các dự án theo hình thức PPP theo quy định tại Nghị định 63/2018/ NĐ-CP ngày 4-5-2018 của Chính phủ để làm cơ sở triển khai thực hiện, trong khi đó ban được giao 22 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức này.

Cũng theo ông Phạm Hoàng Tuấn, trong Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của HĐND thành phố, việc triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm chủ yếu được thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT). Tuy nhiên, hiện tại quỹ đất thanh toán cho các dự án BT chưa được cân đối đủ, đồng thời Bộ Tài chính có Văn bản số 3515/BTC-QLCS ngày 28-3-2018 đề nghị tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao, nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm. Vì thế, UBND thành phố cũng sớm giao cho đơn vị chủ trì rà soát điều chỉnh, chuyển đổi sang hình thức đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách để sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung trên địa bàn thành phố, nhằm giải quyết ùn tắc giao thông và bức xúc dân sinh.

Nhiều đại biểu thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đề nghị, để thúc đẩy tiến độ các dự án, các cơ quan, đơn vị được giao chủ đầu tư và các quận, huyện, thị xã có dự án triển khai trên địa bàn cần rà soát toàn bộ khó khăn, vướng mắc ở khâu nào, thuộc trách nhiệm đơn vị nào, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Từ đó đề xuất giải pháp khắc phục, nêu rõ tiến độ dự kiến hoàn thành. Đây sẽ là cơ sở để HĐND thành phố tiếp tục giám sát tiến độ các dự án, công trình trọng điểm thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.