Theo dõi Báo Hànộimới trên

5 năm tái cơ cấu nông nghiệp: Nhiều kết quả ấn tượng

Bạch Thanh| 10/11/2018 14:12

(HNMO) -  Ngày 10-11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Sau 5 năm, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các địa phương trong đó có Hà Nội đều đạt nhiều kết quả ấn tượng


Theo báo cáo đánh giá của Bộ NN&PTNT tại hội nghị, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, năng suất lao động nông nghiệp tăng 6,67%/năm, năm 2017 đạt 35,5 triệu đồng/lao động, gần gấp đôi mục tiêu đề ra; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến tháng 10-2018 đạt 40%, tạo tiền đề đến năm 2020 vượt mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, nông, lâm, thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 157,49 tỷ USD, tăng 51,2% so với giai đoạn trước. Dự kiến năm 2018 sẽ đạt khoảng 40 tỷ USD. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn được triển khai mạnh mẽ, thu hút đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã... tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, so với Bộ tiêu chí giám sát đánh giá cơ cấu lại, một số tiêu chí sẽ rất khó đạt nếu không có sự đầu tư thích đáng và tổ chức thực hiện quyết liệt như tốc độ giá trị gia tăng trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt; tỷ lệ diện tích nông nghiệp được tưới tiết kiệm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các hình thức hợp tác, liên kết; tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi có xử lý chất thải bằng các phương pháp an toàn.

Ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2020, tốc độ GDP toàn ngành đạt khoảng 3%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 45 tỷ USD/năm, tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt tối thiểu 15%... Để đạt được mục tiêu này, trên cơ sở đánh giá những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành giai đoạn qua, nhận định rõ cơ hội và thách thức, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đến các cấp, các ngành, địa phương và người dân. Ngành Nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là nông dân, doanh nghiệp về đất đai, nguồn vốn và thị trường...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục xác định việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp để góp phần giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Quá trình này đòi hỏi thời gian, nguồn lực; cần sự chung tay của các bộ, ban, ngành và cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là sự chủ động, tích cực của nông dân, doanh nghiệp trong đổi mới tư duy, cập nhật tri thức mới, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp; đồng thời, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa việc cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế của từng vùng, miền, địa phương và từng lĩnh vực. Tất cả hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh, văn minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
5 năm tái cơ cấu nông nghiệp: Nhiều kết quả ấn tượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.