Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều cơ hội xuất khẩu gỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam

Tuệ Diễm| 07/12/2018 19:07

(HNMO) - Ngày 7-12, tại TP Hồ Chí Minh, đã diễn ra hội thảo

Hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự hội thảo "Cơ hội từ thương mại Mỹ - Trung giữa hai làn hiệp định EVFTA/CPTPP và sự hình thành trung tâm đồ nội thất thế giới tại Việt Nam".



Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, các doanh nghiệp cùng thảo luận về những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam)/CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) đối với ngành gỗ Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia, sự tác động này là khá lớn. Sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội được tiếp cận thị trường Mỹ, EU và các thị trường như Canada, Mexico, Chile... với mức thuế ưu đãi hơn.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ là cơ hội cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam, bởi đơn hàng nhập khẩu sẽ có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thậm chí, các nhà đầu tư vào chế biến gỗ tại Trung Quốc sẽ sang Việt Nam thực hiện các thương vụ hợp tác, hay mua lại các công ty Việt Nam. Còn doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể xuất được nhiều hàng đi sang thị trường Mỹ.

Ông Tim Liston - Phó Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam cho biết: "Với tình hình leo thang của thương mại Mỹ - Trung, cơ hội cho hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ cũng như chiều giao thương ngược lại đều rất tốt. Chỉ cần nắm được các nguyên tắc khi làm ăn tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp chế biến gỗ nói riêng chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế, bởi ngoài vị trí địa lý tương đồng, Việt Nam còn có thế mạnh đến từ các hiệp định thương mại của khu vực".

Với thị trường Canada, 10 tháng năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu vào nước này đạt 131 triệu USD, cao hơn cả năm 2017 và dự kiến cả năm sẽ đạt trên 140 triệu USD. Khi CPTPP có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội đối với các sản phẩm như ván sàn, gỗ thanh; ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất. Hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ cũng sẽ được hưởng lợi khi Canada đồng ý xóa bỏ mức thuế nhập khẩu 7% ngay lập tức.

Còn với Mexico, hiện mức thuế nhập khẩu áp cho đồ gỗ là khá cao, dao động từ 10% tới 15%. Tuy nhiên, trong CPTPP, Mexico đã đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu cho toàn bộ các sản phẩm gỗ, bao gồm cả ván dán, ván dăm, gỗ thanh, ván sàn và đồ nội thất, ngoại thất với lộ trình tối đa là 10 năm. Cơ hội sẽ lớn dần theo thời gian, khi mức thuế được giảm dần về 0% theo lộ trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều cơ hội xuất khẩu gỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.