Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Sơn Tùng| 19/12/2018 07:11

(HNM) - Đợt rét đậm vừa qua, nông dân TP Hà Nội gồng mình chống rét cho đàn vật nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Dự báo, thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại.

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia cầm. Ảnh: Sơn Hà


Nhờ người dân chủ động dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại nên đợt rét đậm vừa qua, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố vẫn bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, mới đây, ở một số địa phương đã xuất hiện bệnh lở mồm, long móng trên đàn gia súc. Đơn cử, huyện Ba Vì xuất hiện 6 ổ dịch tại 6 xã (Cam Thượng, Đông Quang, Chu Minh, Phú Phương, Cẩm Lĩnh và Vật Lại), buộc phải tiêu hủy 268 con gia súc và tổ chức chống dịch, tiêm phòng, bao vây ổ dịch cho 12.275 con lợn. Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, nguyên nhân là một số hộ chăn nuôi lợn không tiêm vắc xin lở mồm, long móng. Nhờ phát hiện sớm nên dịch bệnh đã được khống chế, không để lây lan trên diện rộng.

Là người gắn bó với nghề chăn nuôi từ nhiều năm nay, bà Phùng Thị Thơ, thôn Vật Yên, xã Vật Lại, huyện Ba Vì cho biết, để giảm thiểu rủi ro, mỗi khi nhập con giống về nuôi, gia đình đều thông báo với cán bộ thú y của xã để tổ chức tiêm phòng vắc xin. Vì vậy, dù có rét đậm và diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng 15.000 con gà và hơn 600 con lợn của gia đình bà Thơ vẫn ổn định, không mắc bệnh.

Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Ba Vì Hoàng Văn Dương khuyến cáo, mặc dù phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch lở mồm, long móng nhưng không vì thế mà chủ quan. Trước khi nhập giống vật nuôi cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch để đề phòng lây lan mầm bệnh; các địa phương cần tiến hành tiêu độc khử trùng trên diện rộng đợt 5 để đạt hiệu quả cao nhất...

Cùng quan điểm, ông Dương Xuân Tĩnh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thường Tín đề nghị, người chăn nuôi cần thực hiện đầy đủ quy trình phòng, chống dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ thực hiện tốt 5 không: Không giấu dịch; không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh; không vận chuyển gia súc, gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác gia súc, gia cầm ốm, chết ra môi trường xung quanh.

Dự báo các đợt rét đậm, rét hại có thể xảy ra cuối tháng 12-2018 với nhiệt độ trung bình dưới 15 độ C. Tháng 1-2019, khả năng sẽ có đợt không khí lạnh hoạt động mạnh và gây ra những đợt rét đậm, rét hại nên đàn gia súc, gia cầm rất dễ mắc bệnh. Để bảo vệ hơn 28 triệu con gia cầm và thủy cầm, 1,65 triệu con lợn, 25 nghìn con trâu, 140 nghìn con bò…, Sở NN&PTNT đề nghị các huyện, thị xã không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định… Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, nguy cơ bùng phát dịch bệnh đàn vật nuôi là rất cao, không chỉ bệnh lở mồm, long móng mà các bệnh khác như dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, cúm gia cầm, Gumboro, dại... Do vậy, phải thực hiện tốt phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội phân công cán bộ tăng cường xuống cơ sở phối hợp với chính quyền các địa phương nắm chắc tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên các đối tượng nuôi; xác minh, báo cáo kịp thời khi có ổ dịch phát sinh; hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; gia cố chuồng nuôi bảo đảm thông thoáng, chắc chắn, chống dột, chống mưa tạt, gió lùa. Rắc vôi bột ở lối đi và quanh khu vực chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng từ 1 đến 2 lần/tuần; tăng cường chăm sóc đàn vật nuôi, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi...

Bộ NN&PTNT nhận định, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm 2018. Do đó, bộ vừa đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện Tháng hành động vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường trong chăn nuôi. Theo đó, từ ngày 20-12-2018 đến 20-1-2019, các địa phương sử dụng vôi bột, hóa chất để tiêu độc khử trùng môi trường tại các khu vực đã từng xuất hiện ổ dịch bệnh gia súc, gia cầm; khu vực sau lũ lụt; khu vực chăn nuôi mật độ cao; các chợ, cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.