Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã đến lúc ra tay!

Minh Thúy| 28/08/2017 08:14

(HNM) - Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng chung cư lớn trong cả nước và những tranh chấp phát sinh từ đây cũng nảy sinh ngày một nhiều. Đáng nói, mâu thuẫn không chỉ xuất hiện ở chung cư xây dựng trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực (1-7-2015), mà xuất hiện với cả chung cư mới, gắn mác “cao cấp”.


Không khó để “điểm danh” các tranh chấp đang diễn ra hiện nay. Cơ bản nhất vẫn là việc không phân định diện tích sử dụng chung - riêng; giá dịch vụ không hợp lý; chất lượng nhà không bảo đảm; chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì… Trong khi Luật Nhà ở năm 2014 quy định, việc chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì là hành vi trái pháp luật. Song, nhiều chủ đầu tư vẫn “ung dung” ôm quỹ làm lợi cho riêng mình, mặc cư dân đấu tranh, mặc cơ quan chức năng đôn đốc, yêu cầu…

Những tưởng, hành vi này sẽ bị chặn đứng khi Điều 37 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định, ban quản trị có thể đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì; nếu chủ đầu tư không bàn giao sẽ tiến hành cưỡng chế qua tài khoản hay tài sản… Nhưng đến thời điểm này, dường như chưa chủ đầu tư nào bị cưỡng chế bởi chưa có hướng dẫn cụ thể khiến tranh chấp vẫn lặp lại dai dẳng, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhiều chung cư còn “lùm xùm” ở chính nội tại các ban quản trị. Mặc dù là người do cư dân bầu, thay mặt cư dân vận hành, quản lý chung cư, nhưng nhiều thành viên lại hạn chế kiến thức về quản lý tài chính, quản lý công trình… nên sử dụng quỹ bảo trì không hiệu quả. Trong khi đó, mâu thuẫn giữa các bên xảy ra, chính quyền sở tại khó giải quyết kịp thời bởi không kiểm soát việc bàn giao căn hộ, không giám sát chất lượng công trình… Chưa kể, cư dân ở nhiều tòa chung cư không được cấp "sổ hồng" cho căn hộ của mình vì chủ đầu tư xây dựng sai phép, không được cấp thẩm quyền nghiệm thu… Không ai khác, người chịu thiệt thòi là chính cư dân.

Thực tế này cho thấy, bất cập tồn tại bởi quy định pháp luật chưa theo kịp thực tiễn và cư dân chưa tự làm chủ trong chính giao dịch của mình.

Để hạn chế các xung đột phổ biến nêu trên, điều tiên quyết là các quy định của pháp luật phải được thực hiện nghiêm, nếu chủ đầu tư cố tình vi phạm, sẽ phải chịu chế tài. Cơ quan chức năng cần phải loại bỏ quyền tham gia các dự án của chủ đầu tư hay vi phạm và nêu tên công khai để làm gương cho các doanh nghiệp khác. Trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải lập quỹ tạm ứng do cơ quan nhà nước quản lý. Đây sẽ là nguồn bảo đảm, để khi chủ đầu tư không thực hiện trách nhiệm, cơ quan chức năng có quyền sử dụng quỹ, thay chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ. Bên cạnh đó, vai trò của cơ quan chức năng trong kiểm tra, giám sát chất lượng công trình cũng phải được nâng cao. Với cả hai chủ thể này, cần quy rõ trách nhiệm cụ thể để có cơ chế xử lý khi xung đột xảy ra.

Để đáp ứng yêu cầu công việc, thành viên ban quản trị nên được luật hóa theo những tiêu chuẩn nhất định. Và, những người mua căn hộ hãy thực hiện quyền tự chủ khi đặt bút ký vào hợp đồng mua bán nhà, phải tìm hiểu kỹ trách nhiệm của chủ đầu tư, đừng để bị ép bởi các điều khoản chênh vênh, bất lợi. Khi tranh chấp xảy ra, cần mạnh dạn khởi kiện chủ đầu tư ra tòa án để tranh chấp được giải quyết dứt điểm.

Với xu hướng hiện nay, chung cư sẽ là lựa chọn của đa số người dân thành thị. Vì thế, giải quyết những xung đột này không chỉ là việc của hôm nay mà là việc của nhiều năm sau. Đã đến lúc ra tay để giải quyết những bất cập này theo tinh thần "thượng tôn pháp luật"!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã đến lúc ra tay!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.