Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều câu hỏi lớn

Chí Kiên| 16/10/2017 07:15

(HNM) - Trước tình trạng hoạt động kinh doanh gas cạnh tranh không lành mạnh bằng đủ chiêu trò như chiếm giữ và “cắt tai, mài vỏ” bình của nhau, sang chiết gas trái phép, nhái nhãn mác…, người tiêu dùng đang rất lo lắng cho sự an toàn ngay trong ngôi nhà của mình.

Thị trường gas trong những năm gần đây phát triển nhanh bởi nhu cầu lớn. Trước thực tế này, vì lợi nhuận, nhiều người đã tìm đủ mọi cách để buôn bán trái phép một mặt hàng được Nhà nước quy định những điều kiện kinh doanh hết sức nghiêm ngặt. Trong đó, hành vi nguy hiểm nhất là thu gom bình gas (cả cũ, cả mới) của các cơ sở làm ăn chân chính, sau đó tẩy xóa dấu hiệu, thương hiệu, đóng dập lại số seri, sơn và dán lôgô, biến thành vỏ của hãng mình; hoặc sang chiết gas vào vỏ bình có thương hiệu uy tín để bán ra thị trường thu lợi bất chính.

Vì là mặt hàng kinh doanh có điều kiện ngặt nghèo nên việc làm trên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về mất an toàn lao động và an toàn cho người sử dụng, đồng thời Nhà nước bị thất thu thuế lớn. Thực tế, việc can thiệp “thô bạo” vào vỏ bình gas đã làm thay đổi kết cấu, khiến sức chống chịu áp lực giảm, vô hình trung bình gas trở thành “quả bom” hẹn giờ không báo trước với người sử dụng. Chưa kể, còn có tình trạng “vỏ một đường, ruột một nẻo”, tức là vỏ thật (dùng vỏ của thương hiệu gas uy tín) nhưng thu gom về và bơm gas bán cho người tiêu dùng. Hệ lụy là gas không đủ định lượng theo quy định, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các yếu tố an toàn bình gas không bảo đảm. Trong khi hầu hết người sử dụng khó có thể nhận biết hàng thật, hàng giả và lâu nay chỉ đặt niềm tin vào đại lý cung cấp.

Những người kinh doanh chân chính thì chịu uất ức, bởi, vỏ bình gas là tài sản lớn của họ, chiếm 80% tổng giá trị tài sản. Khi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất hay đặt mua một bình gas phải chịu chi phí khá lớn theo quy định, ngoài vỏ bình gas, họ phải đóng thuế, mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, quảng bá thương hiệu, bảo dưỡng, kiểm định định kỳ… Vì vậy, việc chiếm giữ, làm giả ruột của bình gas ảnh hưởng lớn tới việc kinh doanh của cơ sở có uy tín, đồng thời làm mất niềm tin nơi khách hàng với hãng gas đó.

Mặt khác, việc các cơ sở kinh doanh gas nhỏ lẻ tồn tại trong khu dân cư cũng đang đặt ra dấu hỏi lớn về việc bảo đảm an toàn cháy nổ. Bởi những cơ sở này mọc lên hoàn toàn tự phát (do người thuê nhà tự đặt điểm kinh doanh), có thể thay đổi liên tục và không chịu quản lý của bất kỳ cơ quan nào.

Từ những bất cập trên, rõ ràng, để đưa hoạt động này đi vào quỹ đạo, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người sử dụng, việc công khai, minh bạch cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật; tăng cường sự quản lý; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm và nâng cao ý thức của người tiêu dùng. Đặc biệt, vấn đề được giới kinh doanh gas quan tâm là phải quy định rõ ràng việc các đơn vị có được phép giữ bình của nhau hay không; nếu được giữ thì số lượng, thời gian là bao lâu; việc giữ vỏ bình gas phải được công bố công khai và được thu hồi như thế nào...

Các cơ quan liên quan như quản lý thị trường, lực lượng cảnh sát phòng chống buôn lậu, chính quyền địa phương, cần nêu cao trách nhiệm trong thực thi công vụ, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ để bảo đảm mặt hàng kinh doanh có điều kiện này được quản lý tốt, bảo đảm an toàn sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; kết hợp với các doanh nghiệp làm ăn chân chính tuyên truyền, cảnh báo tới từng hộ gia đình về dấu hiệu nhận biết hàng thật, hàng giả…

Quan trọng nhất là ngay lúc này, các cơ sở sang chiết, kinh doanh gas phải lấy chữ tín làm trọng, tránh “ăn xổi ở thì”, phải vì quyền lợi và an toàn sử dụng của người tiêu dùng để kinh doanh minh bạch, công khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều câu hỏi lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.