Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh

Đình Hiệp| 28/10/2017 06:02

(HNM) - Luật Cạnh tranh được Quốc hội khóa XI thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2005. Sau hơn 12 năm đi vào cuộc sống, Luật đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng, góp phần thiết lập và duy trì một môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng cho các doanh nghiệp tại

Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi khi hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, nhiều nội dung của Luật không còn phù hợp. Đơn cử như câu chuyện đang được dư luận quan tâm, đó là cuộc cạnh tranh giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ (cụ thể là với Grab và Uber).

Có ý kiến cho rằng, Việt Nam có Luật Cạnh tranh nhưng chưa có chính sách cạnh tranh, nên vẫn tồn tại tư tưởng nắm thế độc quyền của một vài doanh nghiệp trong cùng một ngành để chi phối thị trường. Kể từ khi Luật Cạnh tranh ra đời, đến nay mới có gần 70 doanh nghiệp bị điều tra, xử lý được 8 vụ vi phạm hạn chế cạnh tranh. Tính trung bình, cơ quan chức năng phải mất tới 1,5 năm mới giải quyết được một vụ việc. Thời gian lâu, số lượng ít, cho thấy sự hạn chế trong thực thi của cơ quan quản lý.

Những bất cập trên là lý do vì sao Luật Cạnh tranh cần được sớm sửa đổi càng sớm càng tốt.

Để khắc phục những tồn tại trên, dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo vào năm 2016, trải qua nhiều lần dự thảo và trình Chính phủ lấy ý kiến nhằm bổ sung, hoàn thiện. Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có nhiều điểm mới, được chỉnh sửa theo hướng tích cực, phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó giữ nguyên 6 điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều và bãi bỏ 49 điều. Đây là sự sửa đổi lớn và toàn diện nhằm đem đến môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo sức mạnh cho doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong khung khổ pháp lý khi hội nhập thế giới.

Điểm mới đáng chú ý trong dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) là mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khỏi biên giới Việt Nam, có nghĩa là ngay cả những doanh nghiệp nước ngoài không có trụ sở ở Việt Nam, mà có hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn bị xử lý, nếu hành vi đó có tác động tới thị trường trong nước. Thay đổi này sẽ tạo cơ chế công bằng hơn cho các loại hình doanh nghiệp.

Rõ ràng, cạnh tranh có nghĩa là hướng tới thị trường, theo đòi hỏi của thị trường; đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp vượt lên chính mình nếu muốn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, cạnh tranh không có nghĩa là chèn ép lẫn nhau, tìm cách triệt tiêu, loại bỏ đối thủ; hay là dựa vào vị trí thống lĩnh thị trường để tạo ra sự độc quyền làm xấu môi trường kinh doanh cũng như gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Cạnh tranh cũng không có nghĩa là tạm thời bắt tay nhau nhằm “tiêu diệt” đối thủ; không phải là dựa vào sự can thiệp của Nhà nước để làm méo mó môi trường sản xuất kinh doanh.

Vì thế, dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường cạnh tranh, hoạt động cạnh tranh để giúp doanh nghiệp có cơ hội bình đẳng trên thị trường. Bên cạnh đó, cần bảo đảm tính công bằng, minh bạch, khách quan trong quá trình tố tụng; đặc biệt giúp những doanh nghiệp nhỏ và vừa tránh được những bất trắc có thể xảy ra mà do nhiều nguyên nhân khiến họ khó chống đỡ.

Điều quan trọng hơn, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh cũng là một bước quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp về “hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền nhà nước” nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII mới ban hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.