Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nội lực, chất lượng, bền vững

Bình Nguyên| 01/11/2017 06:54

(HNM) - Hàng loạt vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội phân tích, “mổ xẻ”, từ đó nêu lên kiến nghị, đề xuất trong ngày thứ nhất của phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020, ngày 31-10.


Những biểu hiện cụ thể - ở mặt chưa được - phản ánh “sức khỏe” nền kinh tế cũng như các “định tính, định lượng” của thực trạng đời sống văn hóa - xã hội thì nhiều, nhưng tựu trung lại, nổi lên những vấn đề chính: Nền kinh tế vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, cải thiện mô hình tăng trưởng nên có khu vực, lĩnh vực tiến độ chưa như mong muốn. Hậu quả của thiên tai đã để lại khá nặng nề về nhiều mặt. Quá trình phân bổ, tận dụng nguồn lực cho các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo còn hạn chế. Ở góc độ quản trị quốc gia, trong khi “trên nóng” thì “dưới” - ở không ít địa phương - còn “lạnh”...

Tuy nhiên, trong bức tranh chung, như nhiều đại biểu Quốc hội đã thống nhất, năm 2017 có nhiều “điểm sáng”. Cụ thể hơn, Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tư của Quốc hội, ngày 23-10 đã nêu rõ: Trong điều kiện quốc tế và trong nước có nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41%. Dự báo cả năm 2017, chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó GDP sẽ đạt 6,7%.

Như vậy, có thể khẳng định những kết quả của năm 2017 là rất lạc quan. Song vấn đề đặt ra không chỉ là thực hiện mục tiêu của một năm, của ngắn hạn mà là những yêu cầu cho chặng đường dài phía trước. Đi cùng với quá trình tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược là các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Ở góc độ chính sách, quan điểm vĩ mô, có mấy vấn đề rất cần thấu triệt, thực hiện đạt hiệu quả cao.

Trước hết, cần chú trọng phát triển dựa vào nội lực là chính. Chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần là hoàn toàn đúng đắn song những “vấn đề đặt ra” của khu vực FDI (nhiều dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, chuyển giá, trốn thuế…) cho thấy, tiến trình cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần được đẩy nhanh, hiệu quả hơn, để hai khu vực này thực sự trở thành nguồn nội lực trọng yếu, chủ chốt của quốc gia.

Thứ hai, hơn bao giờ hết, hiện tại không chỉ là thời điểm “đoạn tuyệt” mô hình tăng trưởng dựa trên lạm dụng khai thác tài nguyên, thâm dụng lao động, năng lượng… mà còn là lúc cấp bách tăng tốc quá trình nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nói cách khác, chất lượng tăng trưởng phải có sự thay đổi triệt để, không thể chậm trễ.

Thứ ba, những ách tắc trong quá trình phân bổ, sử dụng nguồn vốn (đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là từ ngân sách) cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ phát triển các khu vực vùng sâu, vùng xa… cần sớm có giải pháp khắc phục triệt để. Tất cả bảo đảm cho một xã hội hài hòa, ổn định, ai cũng được thụ hưởng thành quả phát triển, “không ai bị bỏ lại phía sau” (từ dùng trong phong trào thi đua được Thủ tướng Chính phủ phát động tại hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020). Chỉ có như vậy, quá trình tăng trưởng mới thực sự bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nội lực, chất lượng, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.