Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo chuyển biến mạnh mẽ

Duy Biên| 07/11/2017 06:58

(HNM) - Trong những năm gần đây, tình hình tham nhũng diễn biến hết sức phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Chính vì thế Đảng và Nhà nước ta đã xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ và sự nghiệp đổi mới của đất nước.


Thời gian qua, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận nghi ngờ có tham nhũng; nhất là kiểm tra, kết luận các sai phạm và tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức cá nhân để xảy ra sai phạm. Song song đó, việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 của Chính phủ cũng thu được những kết quả tích cực. Tuy vậy, tham nhũng vẫn còn xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước... Theo Báo cáo số 475/BC-CP ngày 19-10-2017 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017, các cơ quan điều tra đã phát hiện, khởi tố, điều tra 220 vụ với 479 bị can về tội tham nhũng.

Thực trạng trên tác động xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước. Do vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tìm được giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống tham nhũng?

Theo thống kê, hiện nước ta có hơn 1 triệu người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Số lượng bản kê khai tài sản thì nhiều, nhưng số người bị xem xét trách nhiệm vì kê khai không trung thực rất ít. Chính vì thế, để kiểm soát tốt tài sản của người kê khai, cần quy định cụ thể thời điểm với những khoản tài sản nằm ngoài khoản thu nhập hợp pháp của một người có chức vụ, có khả năng tham nhũng mà không giải trình được, thì phải bị coi là tài sản do tham nhũng; với những tài sản không giải trình được nguồn gốc cũng được coi là tài sản tham nhũng và phải bị xử lý, thu hồi. Đặc biệt, cần hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập và biến động tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Cùng với đó là tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền...

Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc có ý nghĩa rất quan trọng. Thực tế minh chứng, thời gian qua có rất nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện từ người dân và các đoàn thể xã hội. Bởi vậy, để phát huy hơn nữa sức mạnh “thế trận nhân dân”, cần thực hiện tốt Quy chế Mặt trận Tổ quốc giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; động viên nhân dân thực hiện tốt hơn việc giám sát, thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ Mặt trận ở các cấp có năng lực, đạo đức, tâm huyết, có dũng khí, không ngại va chạm để phát hiện và đấu tranh hiệu quả với các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Một điều đáng lưu ý nữa, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thực thi công vụ ở những vị trí trực tiếp giải quyết yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó chú trọng đẩy mạnh nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống tham nhũng, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức cơ sở làm công tác thanh tra, kiểm tra.

Có thể nói, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là công việc hết sức quan trọng, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, nếu cả xã hội cùng quyết tâm tham gia, chắc chắn sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo chuyển biến mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.