Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội vượt lên trước

Đan Nhiễm| 11/11/2017 06:27

(HNM) - Đó là quan điểm chung được các nhà quản lý, nhà kinh tế và đại biểu Quốc hội đồng thuận khi góp ý về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đây sẽ là hành lang pháp lý để tập trung nguồn lực phát triển các đặc khu hành chính - kinh tế (đặc khu), trước mắt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Đặc khu là một mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam nhưng trên thế giới đã phát triển từ lâu (đến nay đã hình thành khoảng 4.500 đặc khu). Chúng ta đã từng biết đến đặc khu Thâm Quyến, Chu Hải… rất thành công, góp phần quan trọng vào định vị một Trung Quốc không ngừng lớn mạnh trong ba thập kỷ qua. Các nước trong khu vực cũng có đặc khu từ rất sớm và đến nay vẫn không ngừng hình thành những cơ sở mới.

Thực tế, những nước đi sau thường có cơ hội vượt lên trước. Do đó, Việt Nam rất cần một chính sách vượt trội, đúc kết được những kinh nghiệm của các nước đi trước ở hai góc độ: Mở và tự do.

Qua so sánh tổng thể các cơ chế, chính sách hiện hành cho thấy, quy định tại dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã hội tụ được những cơ chế vượt trội đang áp dụng với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. So sánh trên 9 tiêu chí khác nhau thì hầu hết có ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan…

Bên cạnh những cơ chế chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài như ưu đãi thuế, cho thuê đất lên tới 99 năm, visa thông thoáng hơn, đặc khu sẽ được mở rộng các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, rút ngắn các thủ tục hành chính… Dự thảo luật cũng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc giải quyết tranh chấp như áp dụng pháp luật nước ngoài và cho phép giải quyết tranh chấp tại tòa án quốc tế. Về cơ chế chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh cũng được cải thiện đáng kể như bộ máy hành chính được xây dựng theo mô hình “một cửa” giúp rút ngắn thủ tục đầu tư kinh doanh. Một bước đột phá nữa là đặc khu không dựa vào trách nhiệm tập thể mà nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân. Trưởng đặc khu sẽ có 77 thẩm quyền và sẽ phải chịu trách nhiệm về thẩm quyền được phân cấp.

Hiện có một số quan điểm cho rằng, các đặc khu sẽ tạo sự bất bình đẳng trong thu hút đầu tư trên một địa bàn cấp tỉnh. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, đặc khu sinh ra không phải để cạnh tranh thu hút nguồn lực với các địa phương khác mà chức năng của nó là cạnh tranh và liên kết quốc tế với các đặc khu khác của thế giới cũng như khu vực.

Thực tế, ba đặc khu dự kiến xây dựng ở nước ta không phải là “của riêng” tỉnh nào và đều nằm ở những vị trí chiến lược, mỗi nơi có một lợi thế riêng. Vân Đồn ở miền Bắc sẽ tạo sự lan tỏa, kết nối vòng cung phát triển Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội. Vân Phong có cảng nước sâu và còn hoang sơ, rất thuận lợi cho quy hoạch hoàn toàn mới, sẽ tác động đến kinh tế miền Trung nhờ dựa trên trục vận tải quốc tế.

Trong khi đó, Phú Quốc lại có lợi thế phát triển du lịch, dịch vụ…, kết hợp với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, tạo sức bật cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.

Xây dựng cơ chế vượt trội cho các đặc khu so với điều kiện trong nước, có xem xét với các nước trong khu vực hoàn toàn phù hợp với quan điểm tại Nghị quyết 11-NQ/TƯ về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành. Tranh thủ được thời gian sẽ giúp chúng ta “đi” nhanh hơn. Ngược lại, hệ lụy từ sự chậm trễ là tụt hậu, không bắt kịp với sự phát triển của thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội vượt lên trước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.