Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiết kiệm và hiệu quả

Hà An| 17/11/2017 07:20

(HNM) - Riêng trong buổi mở màn phiên chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV hôm qua, 16-11, đã có 48 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho thấy sức nóng của vấn đề tài chính ngân sách mà cử tri cả nước quan tâm.


Nói ngắn gọn, ngân sách nhà nước là vấn đề của tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ quốc gia. Hoạt động tài chính ngân sách nhà nước phải được bảo đảm tốt trên cả hai mặt này thì mới có thể gánh vác được các nhiệm vụ kinh tế - xã hội nhằm phát triển bền vững đất nước. Dễ hiểu khi bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được, cử tri cả nước đã gửi gắm qua các đại biểu những câu hỏi cụ thể với nhiều góc tiếp cận lĩnh vực này và mong mỏi các "tư lệnh ngành" sẽ đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, giải quyết bất cập đang đặt ra. Có thể kể tới những băn khoăn về kéo giảm bội chi ngân sách; chống thất thu thuế, trách nhiệm thu hồi nợ đọng thuế; giám sát quản lý nợ công; sử dụng hiệu quả vốn vay; chống chuyển giá…

Đáng chú ý, giải quyết cả hai mặt này, hệ thống giải pháp được đưa ra, tranh luận trong phiên chất vấn đều thể hiện yếu tố xuyên suốt là tiết kiệm và tính hiệu quả trong mọi hoạt động tài chính ngân sách.

Không chỉ đến hôm nay, trước phiên chất vấn này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh “Tiết kiệm là quốc sách hàng đầu”, và trong rất nhiều chỉ đạo, hoạt động của Chính phủ cũng thể hiện rõ quan điểm này. Trong đó có việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đầu tư tăng trưởng; siết chặt kỷ cương tài chính. Việc Chính phủ nói không với nới trần nợ công, xét ở mặt nào đó cũng là tiết kiệm nguồn lực quốc gia, không chạy theo "cảm giác" giảm nhẹ nợ công chỉ vì nới trần trước mắt.

Đặc biệt, hàng loạt giải pháp căn cơ khác như hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý ngân sách, quản lý nợ, cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, sửa đổi Luật Đầu tư công… nếu làm tốt cũng chính là tiết kiệm ngân sách, nhân lực quốc gia. Để xảy ra tình trạng “quá nhiều kẽ hở mà cơ quan tài chính không làm gì được” như đại biểu nêu cũng chính là lãng phí ngân sách, lãng phí nhân lực…

Tiết kiệm, chống lãng phí rõ ràng còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính ngân sách - mối quan tâm hàng đầu và đích đến trong hàng loạt giải pháp được đưa ra tại phiên chất vấn này. Cụ thể, việc cơ cấu lại nợ công tập trung vào dài hạn, chuyển lãi suất cao thành lãi suất thấp, giảm vay nước ngoài… có thể góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Song, đúng như các đại biểu nêu và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh: Hiệu quả việc sử dụng vốn vay mới là quan trọng nhất. Xác định rõ yếu tố hiệu quả, các bộ, ngành sẽ phải tăng cường phối hợp với nhau trong giải quyết những vấn đề quan trọng, phức tạp. Ví như thông quan chậm cũng do có tới hơn 70% thời gian liên quan đến các bộ, ngành khác nhau, mà quy định kiểm tra chuyên ngành thì còn chồng chéo… Bên cạnh đó là kiểm soát chặt chẽ vấn đề thực thi công vụ; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ vào để minh bạch hóa các hoạt động và đặc biệt là tăng cường trách nhiệm giải trình…

Tài chính ngân sách là hoạt động cần đến sự chung sức của nhiều bộ, ngành, đặc biệt là trước yêu cầu phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong đó, dù khó khăn đến đâu, mà hệ thống các giải pháp đều bắt nguồn từ tiêu chí xuyên suốt là tiết kiệm và hiệu quả thì chắc chắn thành công sẽ ngày một rõ rệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiết kiệm và hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.