Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ

Đan Nhiễm| 23/11/2017 06:28

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã có nhiều nghị quyết, kết luận, chương trình, hướng dẫn về công tác quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xem đây là công việc tối quan trọng với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.


Theo đó, công tác cán bộ được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thực hiện đồng bộ, bài bản, khách quan, dân chủ, gắn với việc sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy tổ chức theo quy định của Trung ương và yêu cầu thực tiễn đặt ra. Các khâu công tác cán bộ được đổi mới, nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố, bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ; chất lượng được nâng lên.

Hà Nội đã làm rất tốt công tác quy hoạch cán bộ tầm chiến lược; coi trọng cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ… Công tác tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, luân chuyển đã góp phần xây dựng được một lớp cán bộ mới có năng lực chuyên môn, đạo đức cách mạng. Đặc biệt, công tác cán bộ khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô từ ngày 1-8-2008 đã không có sự xáo trộn lớn, tạo được sự đoàn kết, nhất trí cao, góp phần ổn định tình hình và phát triển Thủ đô ngày càng hiện đại…

Tuy nhiên, từ thực tế công việc, nhất là công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho thấy, công tác cán bộ Hà Nội phải có sự đổi mới, điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu mới. Điều đó cần được cụ thể hóa thông qua công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bồi dưỡng cán bộ theo đúng các tiêu chuẩn do Trung ương ban hành.

Đặc biệt, với đặc thù của Thủ đô nghìn năm văn hiến, như Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày 22-11 thì “đội ngũ cán bộ của Thủ đô phải gương mẫu và thanh lịch”.

Vậy yêu cầu của công tác cán bộ của Thủ đô trong tình hình mới cần những yếu tố cụ thể nào?

Trước hết, công tác cán bộ cần phải làm bài bản, thực chất, đúng quy trình theo quy định của Trung ương có tính đến đặc thù của địa phương. Đó là, người cán bộ đương nhiệm cũng như trong quy hoạch phải có tư duy độc lập, nắm vững học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Người cán bộ cần không ngừng nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin và đặc biệt có kinh nghiệm thực tiễn xử lý công việc. Bởi chính trong quá trình thực tiễn cơ sở sẽ là thước đo chân xác nhất về năng lực xử lý tình huống của cán bộ, bên cạnh chuyên môn đào tạo và phẩm chất chính trị.

Ngoài ra, cần nhận thức thống nhất việc “lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ” là nhiệm vụ của cấp ủy mà trực tiếp, thường xuyên là của ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy. Cần quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ trên cơ sở áp dụng đúng đắn và đầy đủ các nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tất cả các khâu công tác cán bộ, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp.

Cần thực hiện tốt ba biện pháp: Phải báo cáo công việc liên quan đến công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng, luân chuyển cán bộ; phải kiểm tra trước khi rời khỏi cương vị người đứng đầu trong thực hiện công tác cán bộ; phải truy cứu trách nhiệm nếu có sai phạm trong công tác cán bộ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) về tăng cường, xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Có thể nói, những đòi hỏi, yêu cầu khách quan từ công tác cán bộ của Hà Nội hoàn toàn phù hợp xu thế phát triển của đất nước cũng như hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đúng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, rằng: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.