Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần chế tài đủ mạnh

Duy Biên| 01/12/2017 07:07

(HNM) - Kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu hưởng thụ các dịch vụ văn hóa của người dân từng bước được nâng cao, các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa cũng theo đó phát triển mạnh. Còn nhớ cách đây khoảng 30 năm, khi karaoke bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội đã được phần lớn người dân nhanh chóng tiếp nhận như một loại hình giải trí hấp dẫn. Tiếp đến là sự có mặt của các vũ trường như: Hồ Gươm Xanh, New Century… Có thời điểm, việc cấp phép hoạt động cho các loại hình này được “thả ga” nên phát triển khá nở rộ.


Về cơ bản những nhà kinh doanh dịch vụ này đã thực hiện tốt quy định của Nhà nước, góp phần tích cực nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Song bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh, dịch vụ văn hóa ở cơ sở cũng bộc lộ không ít bất cập. Vì mục tiêu lợi nhuận, nhiều người kinh doanh dịch vụ văn hóa đã làm ăn phi pháp như: Hoạt động không có giấy phép; biến điểm kinh doanh thành nơi ẩn náu các tệ nạn xã hội. Đáng lưu ý, nhiều chủ cơ sở còn coi thường tính mạng người khác, bỏ qua các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Và thực tế đã xảy ra những sự cố đáng tiếc gây thiệt hại về tính mạng, tài sản cũng chính từ sự thiếu trách nhiệm đó...

Thời gian qua, hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa đã phát huy hiệu quả, tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho các chủ thể kinh doanh tại lĩnh vực này, trong đó phải kể đến Thông tư 47/TT-BCA của Bộ Công an chính thức có hiệu lực từ ngày 4-12-2017. Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, vũ trường, karaoke không đáp ứng điều kiện về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy sẽ phải dừng hoạt động. Vậy nhưng, theo khảo sát sơ bộ của Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội ở một số quận nội thành cuối tháng 11, vẫn có tới 80% số cơ sở chưa bảo đảm tiêu chí tại thông tư này. Điều đó cho thấy, vấn đề quản lý dịch vụ văn hóa vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Có thể nói, hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường… là loại hình nhạy cảm, phức tạp, thường xuyên tiềm ẩn, phát sinh những sai phạm. Để quản lý hiệu quả, trước tiên, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và giáo dục đến người tham gia kinh doanh để họ có trách nhiệm tuân thủ pháp luật. Cùng với đó, cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, rà soát để không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, chủ động phòng, chống tệ nạn xã hội, các hoạt động gieo rắc văn hóa phẩm độc hại...

Ngoài ra, cần tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa cơ sở thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng và có chế độ khuyến khích thỏa đáng. Nhà nước cần sớm quy hoạch tổng thể lực lượng này, từ đó có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng hợp lý nhằm không ngừng nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ văn hóa cấp cơ sở.

Trên thực tế, vì lợi nhuận, không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn Thủ đô cố tình "lờ" các quy định của pháp luật, sử dụng những "chiêu trò" để "hút" khách, trốn tránh sự quản lý của các cơ quan chức năng. Vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra cần được duy trì thường xuyên nhằm giáo dục và kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật...

Có thể nói, các hoạt động văn hóa dù là kinh doanh thì mục đích cuối cùng vẫn phải hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ. Do đó, trước tình trạng các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa có nhiều cách "lách luật", biến tướng như hiện nay thì việc bảo đảm một chế tài xử phạt đủ mạnh là hết sức quan trọng và cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chế tài đủ mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.