Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm lại vai trò đích thực

Hà An| 03/12/2017 07:11

(HNM) - Có thể thấy rõ Chương trình công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật hình thành tại các nhà sáng tác trong năm 2015-2016 với các hoạt động triển lãm, hội thảo và đêm công bố tác phẩm tiêu biểu vừa diễn ra tại Hà Nội đã mang lại sự phấn khởi cho không ít văn nghệ sĩ.


Ngoài việc lao động của các tác giả được ghi nhận, đáng chú ý, sự kiện diễn ra lần đầu tiên này đã xới lại vấn đề lâu nay còn băn khoăn là vai trò của nhà sáng tác trong đời sống văn học, nghệ thuật đương đại.

Phải thừa nhận, gần 40 năm qua, trong những điều kiện khó khăn, thuận lợi khác nhau của đất nước, mô hình nhà sáng tác đã góp phần tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ hoàn thành, công bố nhiều tác phẩm giá trị. Tuy nhiên, nhà sáng tác chỉ là điều kiện hỗ trợ, không phải là yếu tố quyết định. Hơn nữa, ở một vài thời điểm, việc tổ chức thiếu đi tính chu đáo, thiết thực, bản thân tác giả thiếu sự lao động nghiêm túc, hoạt động của nhà sáng tác rơi vào hình thức thì việc băn khoăn về hiệu quả của mô hình này cũng là dễ hiểu.

Sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật vốn là một hoạt động tự thân, đầy nhọc nhằn, xuất phát từ sự thôi thúc của chính người nghệ sĩ và từ sứ mệnh to lớn của lĩnh vực này với đời sống. Trong bối cảnh văn học, nghệ thuật đã, đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của công nghệ giải trí, của guồng quay xã hội hiện đại, vai trò của nhà sáng tác càng thể hiện ở khả năng đưa văn nghệ sĩ bứt khỏi những bộn bề ngày thường, giúp họ tập trung cao độ để chuyển hóa khối hiện thực đồ sộ đã thẩm thấu từ đời sống vào tác phẩm. Bên cạnh đó, những cọ xát về nghề với người đi trước, với đồng nghiệp, trong quá trình tham gia nhà sáng tác đã, sẽ giúp nhiều tác giả tìm thấy những tình tiết đắt giá, mở ra hướng đi mới, nâng được “tầm” tác phẩm của mình.

Đây là đặc thù sáng tạo không riêng gì ở nước ta. Nhà văn Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro đã hoàn thiện tác phẩm “The Remains of the Day” (Nobel Văn học 2017) bằng cách “giam” mình ở nhà liên tục 4 tuần để viết, ngắt mọi kết nối xã hội…

Như vậy, sự cần thiết của nhà sáng tác là điều không phải bàn cãi. Vấn đề là muốn khẳng định vai trò của nhà sáng tác thì phải gia tăng hàm lượng lao động và sáng tạo thể hiện qua hoạt động này.

Trước hết, kinh phí đủ để duy trì nhà sáng tác một cách "ra tấm ra món" là một đòi hỏi rất thực tế. Trong đó, kinh phí không thể chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước mà còn cần đến xã hội hóa. Điều này phải cần đến sự tích cực, năng động của cơ quan kết nối - là đơn vị tổ chức, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Xác định đây là một biểu hiện trọng thị của Nhà nước, xã hội nói chung đối với lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ, các nhà sáng tác càng cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, tạo điều kiện tối đa về thời gian, không gian, điều kiện sinh hoạt, cọ xát nghề nghiệp… để các tác giả hoàn thành tác phẩm một cách chất lượng nhất. Hoạt động của nhà sáng tác tuyệt đối không nên là địa chỉ nghỉ dưỡng hoặc gọi là "bù đắp cho vui” với văn nghệ sĩ…

Đặc biệt, bản thân văn nghệ sĩ, những người được lựa chọn dự nhà sáng tác có vai trò to lớn đóng góp cho sự thành công của mô hình này. Trong đó, việc chuẩn bị kỹ về đề tài, đề cương, bản thảo, kịch bản…, xác định mục tiêu, mở rộng trao đổi, cọ xát về tác phẩm và tập trung cao độ cho sáng tạo là những yếu tố thực sự cần thiết.

Cùng với việc thu được tác phẩm tiềm năng, hoạt động quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật sau đó nếu làm tốt cũng là cách khẳng định hàm lượng lao động sáng tạo tại các nhà sáng tác, từ đây tạo ra sức hấp dẫn để thu hút các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư để các nhà sáng tác phát huy tác dụng lớn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm lại vai trò đích thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.