Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiệm vụ cấp bách, lâu dài

Đình Hiệp| 10/12/2017 06:54

(HNM) - Du lịch là ngành công nghiệp “không khói”, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao. Đây là ngành kinh tế có nhu cầu lớn về nhân lực - yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng dịch vụ.


Nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn xác định: Đến năm 2020, ngành Du lịch sẽ đóng góp hơn 10% GDP, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Theo thống kê mới đây của Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm 40.000 lao động, song chỉ có khoảng 20.000 lao động tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, trong đó khoảng 1.800 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, còn lại là các loại hình đào tạo khác. Điều này cho thấy, nguồn nhân lực phục vụ trong ngành Du lịch vừa thiếu cả số lượng lẫn chất lượng...

So với mặt bằng chung của cả nước, chất lượng nguồn nhân lực du lịch Hà Nội tương đối tốt, với khoảng 70% số lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ; trong đó khoảng 15% lao động có trình độ đại học và trên đại học. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của du lịch Thủ đô vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của toàn ngành.

Nhận thức rõ tầm quan trọng này, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo chú trọng đến giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp… Trong Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND thành phố phê duyệt cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020, lực lượng lao động trực tiếp trong ngành Du lịch Hà Nội là khoảng 127.800 người, lao động gián tiếp 383.000 người; năm 2030 tương tự là 250.000 lao động trực tiếp, 750.000 lao động gián tiếp để đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển.

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng quyết định đối với sự phát triển của toàn ngành Du lịch. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là “nút thắt” cần được tháo gỡ bằng các chính sách cụ thể, giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp "không khói" này phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài không chỉ riêng Hà Nội mà với toàn ngành trong cả nước.

Để khắc phục tình trạng trên, cần nhanh chóng thống nhất hoạt động đào tạo du lịch về một đầu mối quản lý nhà nước. Trên cơ sở đổi mới tư duy về đào tạo, cần lựa chọn mô hình đào tạo phù hợp, phát huy được tính tự chủ của các cơ sở trong tuyển sinh đầu vào; bảo đảm được tính liên thông giữa các bậc đào tạo, trong đó chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, đặc biệt là thực hành về kỹ năng nghề. Chương trình đào tạo cần được thiết kế phù hợp với quy chuẩn chung để áp dụng ở các cơ sở đào tạo dựa trên việc thống nhất bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch; đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, mọi nỗ lực của các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch là chưa đủ, mà cần sự quyết tâm của người học, việc tạo điều kiện của cơ quan quản lý nhà nước cũng như mối quan tâm thỏa đáng của toàn xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm vụ cấp bách, lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.