Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội tạo đột phá

Đan Nhiễm| 12/12/2017 07:05

(HNM) - Quá trình đô thị hóa ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng đã và đang diễn ra nhanh chóng, dẫn đến có nhiều khác biệt về hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng giữa đô thị và nông thôn.


Theo quy định của pháp luật, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta chia thành 3 cấp là: Tỉnh, huyện, xã. Chính quyền ở đô thị được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như chính quyền ở địa bàn nông thôn cùng cấp, tuy có thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý đặc thù. Về mặt nào đó, bộ máy chính quyền chưa phù hợp kéo theo công tác quản lý không khai thác hết tiềm năng, lợi thế, đã tạo ra sự trì trệ trong quá trình phát triển đô thị.

Cụ thể, nhiều vấn đề cấp thiết của đô thị như quy hoạch, kiến trúc, xây dựng hạ tầng đô thị, xử lý ô nhiễm môi trường, chống ùn tắc giao thông, quản lý dân cư và trật tự an toàn xã hội... không được giải quyết kịp thời. Ở đô thị, do kết cấu hạ tầng thống nhất, liên thông đòi hỏi phải quản lý theo ngành là chủ yếu, khác với nông thôn quản lý theo lãnh thổ là chủ yếu.

Vì thế, việc mới đây Bộ Chính trị đồng ý để Hà Nội thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật đã mang lại những cơ hội tạo đột phá trong nỗ lực xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh.

Về bản chất, mô hình chính quyền đô thị là sự phân biệt cách thức tổ chức chính quyền ở đô thị và nông thôn. Đó là, về tổ chức, chính quyền ở đô thị đơn giản hóa hơn mà vẫn bảo đảm đại diện cho quyền, nghĩa vụ của người dân. Theo đó, chính quyền đô thị có thể sẽ không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường; tăng tính tự chủ và tự quản của thành phố trong quan hệ với trung ương và trong giải quyết các vấn đề chỉ có ở đô thị, đơn cử như ùn tắc giao thông...

Tuy nhiên, đích đến cuối cùng của việc xây dựng chính quyền đô thị đồng nghĩa với việc đi tìm lời giải cho vấn đề: Liệu người dân được phục vụ tốt hơn, được hưởng lợi ích nhiều hơn không? Lợi ích, quyền lợi, chất lượng sống... của người dân là mục tiêu mà mọi chính quyền đều phải hướng tới. Việc xây dựng chính quyền đô thị là làm cho tổ chức bộ máy phù hợp hơn, quản lý có hiệu lực, hiệu quả hơn và đây chính là lợi ích mang lại cho người dân. Khi công việc và trách nhiệm của chính quyền được xác định rõ ràng, người dân biết được công việc của mình do ai giải quyết và nếu không được giải quyết đến nơi đến chốn thì biết rõ địa chỉ nào phải chịu trách nhiệm. Qua đó thể hiện quyền dân chủ của mình trong việc tín nhiệm đối với cán bộ cơ quan công quyền.

Với thực tế hiện nay, Hà Nội đã đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù trong một số lĩnh vực: Các quy hoạch chung đô thị; xây dựng, nhà ở xã hội; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với một số dự án; phân cấp mạnh hơn cho cơ sở về các khoản phí, lệ phí... Ngoài ra, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng lan tỏa trong đời sống, tạo điều kiện, thời cơ phù hợp để Hà Nội thí điểm xây dựng đề án tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị ở các quận nội đô.

Do đó, bên cạnh việc triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị, TP Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và thu hút nguồn nhân lực được đào tạo chất lượng cao vào bộ máy quản lý, điều hành… tạo tiền đề xây dựng chính quyền đô thị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực sự là “chính quyền phục vụ”. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội tạo đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.