Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt kỷ cương

Duy Biên| 26/12/2017 06:33

(HNM) - Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Theo quy luật hằng năm, đến thời điểm này, các loại hàng hóa từ biên giới, trong đó không ít hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm “bẩn” sẽ tràn về các tỉnh, thành phố.

Mối quan tâm lớn nhất của các lực lượng thực thi pháp luật tại những địa bàn sâu trong nội địa như Hà Nội, đó là những nẻo đường để hàng hóa “có vấn đề” qua biên giới về xuôi vẫn quá dễ dãi. Thực tế đã chứng minh, chỉ trong 11 tháng năm 2017, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 35.387 vụ, xử lý 24.710 trường hợp, khởi tố 67 vụ với 84 đối tượng buôn lậu. Trong khi đó, với số dân đông, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng lớn, dồn dập các vụ việc bị phát hiện, xử lý trên địa bàn TP Hà Nội thời gian gần đây khiến người dân không khỏi lo ngại.

Có thể thấy, tuy có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ngành, nhiều cấp ở nhiều địa phương, nhưng vì nhiều lý do mà hàng hóa nhập lậu, hàng giả, thực phẩm “bẩn” vẫn tràn lan trên thị trường, gây ra những hệ lụy cả trước mắt cũng như lâu dài. Ngoài việc các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng này là do chế tài xử phạt hành vi vi phạm về vệ sinh thực phẩm chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, lợi nhuận lớn từ việc buôn lậu và thực phẩm "bẩn" khiến các đối tượng vẫn không "chùn tay", bất chấp pháp luật, sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Trước thực trạng trên, vấn đề đặt ra là chúng ta phải có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ và các chế tài nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn ngay từ “tuyến đầu”. Cụ thể là các lực lượng thực thi pháp luật như: Hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, công an cần tăng cường quân số tuần tra, kiểm soát; phòng, lập “rào chắn” chốt chặn tại một số đường mòn biên giới trọng điểm. Đồng thời, tại các địa phương, lực lượng chức năng tập trung phối hợp triển khai nhiệm vụ chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng pháo các loại, đồ chơi trẻ em bạo lực; an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... Cùng với đó tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình kinh doanh không đúng quy định của pháp luật, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, kinh doanh hàng cấm. Trong đó, thực hiện kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, nhất là chuẩn bị cho đón Tết Mậu Tuất 2018 như nông sản, thực phẩm, rượu bia, nước giải khát... nhằm góp phần ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ người tiêu dùng.

Song song với công tác kiểm tra, lực lượng chức năng cần hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh về các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, từ nay đến sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để người tiêu dùng thấy được trách nhiệm, quyền lợi của mình, chủ động tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này cũng như tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn là gắn trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, cá nhân vào việc thực hiện hiệu quả các biện pháp ngăn chặn nạn vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, thực phẩm “bẩn”. Địa phương, đơn vị nào để xảy ra vụ việc liên quan hoặc buông lỏng, thiếu tinh thần trách nhiệm, phải bị xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người trực tiếp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Tin rằng, nếu siết chặt kỷ cương, chắc chắn các ngành, các địa phương sẽ ngăn chặn, kiểm soát được hoạt động buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh thực phẩm “bẩn”... vốn đang tìm mọi kẽ hở, cơ hội, từng ngày, từng giờ xâm nhập vào thị trường ảnh hưởng đến nền kinh tế và sức khỏe, tính mạng của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt kỷ cương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.