Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở đường cho nông nghiệp "cất cánh"

Tuấn Kiệt| 05/01/2018 07:11

(HNM) - Chưa khi nào mà tin vui của ngành Nông nghiệp lại đến dồn dập như thời điểm này khi nhiều dấu mốc kỷ lục được xác lập: Xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán mốc 8,4 tỷ USD, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 8 tỷ USD.


Những kết quả đạt được trong năm 2017 là tiền đề, động lực cho ngành Nông nghiệp có những bước đột phá trong thời gian tới. Tuy nhiên, làm gì để mở đường cho nông nghiệp vẫn đang là vấn đề cần có những định hình cụ thể.

Những năm qua, đời sống "tam nông" đang có những diễn biến, thay đổi thuận lợi; xây dựng nông thôn mới, phát triển hợp tác xã kiểu mới được Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng. Song, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, để kinh tế nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới thì việc hình thành một nền nông nghiệp hiện đại là đặc biệt quan trọng, ngoài sự vận động tự thân của khu vực nông thôn, còn cần sự chung tay của toàn xã hội.

Công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển trên nền tảng internet, tích hợp hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, bao gồm cả sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn theo chiều rộng. Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn nhiều hạn chế.

Hiện nay, cả nước đang có 13,8 triệu hộ nông dân, nhưng có tới 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. Do đó, nếu không đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao (nông nghiệp 4.0), tức là nếu không có những thay đổi mạnh mẽ về khoa học - công nghệ, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và tác động tiêu cực, tụt hậu về công nghệ, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và suy giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh…

Một vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch 2018 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra ngày 4-1-2018 là hiện nay, dân số sống tại nông thôn chiếm tới 70%, lực lượng lao động chiếm tới 42%, nhưng nông nghiệp mới chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, doanh nghiệp nông nghiệp chỉ chiếm 1% số lượng doanh nghiệp cả nước. "Đây là bài toán đau đầu của các ngành, các cấp" - Thủ tướng nhấn mạnh và cũng nói thẳng: "Các ông nông nghiệp phải quần xắn móng lợn, lội ruộng với nông dân, hỏi lão nông tri điền làm gì để mình biết, chứ không phải mình nghiên cứu giấy tờ suốt”.

Có thể khẳng định, để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, cải thiện đời sống, hướng tới làm giàu cho nông dân, không có con đường nào khác là phải có sự đột phá, từ tư duy đến hành động. Phải tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh; tạo chuyển biến rõ nét và thực chất hơn nữa, cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Bên cạnh việc tích tụ ruộng đất để đầu tư các dự án nông nghiệp tập trung, quy mô lớn thì việc liên kết bốn nhà (nhà nông, người làm chính sách, chuyên gia và doanh nghiệp) cũng đặt ra bức thiết nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của nông dân. Ngoài ra, phát triển hợp tác xã kiểu mới được cho là sẽ giải quyết hiệu quả những tồn tại ở khu vực nông thôn trong bối cảnh sản xuất manh mún, nhỏ lẻ còn phổ biến.

Thay đổi tư duy và hành động, mở đường cho nông nghiệp cũng chính là tạo điều kiện cho nông dân làm giàu được trên chính đồng đất quê hương mình, góp phần phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mở đường cho nông nghiệp "cất cánh"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.