Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo sự yên tâm, tin tưởng

Chí Kiên| 13/02/2018 06:56

(HNM) - Những ngày này, người người, nhà nhà bận rộn mua sắm Tết. Từ các trung tâm thương mại lớn, các con phố sầm uất, đến các chợ ở ngoại thành, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người bán, người mua tấp nập...


Niềm vui đầu tiên với người tiêu dùng, có lẽ là giá cả hàng hóa ổn định. Để có được điều này, các cấp, ngành thành phố đã nghiêm túc triển khai Kế hoạch số 64-KH/TU ngày 18-12-2017 của Thành ủy Hà Nội về triển khai các hoạt động Tết Nguyên đán 2018 và Chỉ thị số 23/CT-UBND ngày 30-12-2017 của UBND thành phố về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong đó, nhiều đơn vị đã cụ thể hóa chỉ đạo của thành phố bằng những việc làm thiết thực để bình ổn thị trường, như tổ chức chương trình khuyến mãi, bán hàng lưu động về nông thôn, chủ động dự trữ hàng hóa từ trước Tết, văn minh thương mại được chú trọng, tổ chức tốt hệ thống phân phối... Đặc biệt, chương trình bình ổn giá tiếp tục được các đơn vị thương mại hưởng ứng tích cực, hiệu quả và trở thành "công cụ" điều tiết giá cả thiết thực trong dịp Tết.

Đáng kể hơn, mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng là số lượng, chất lượng hàng hóa, cũng được các đơn vị thương mại, siêu thị cam kết mạnh mẽ, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn thực phẩm... Hơn nữa, trong thời gian qua, các ngành chức năng như Công Thương, Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã tập trung lực lượng kiểm tra, loại bỏ hàng hóa kém chất lượng ra khỏi chuỗi cung ứng và đẩy mạnh việc cấp đăng ký các cửa hàng nhận diện hàng hóa. Đồng thời, các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm… được lực lượng chức năng xử lý nghiêm. Điều đáng mừng nữa là lượng hàng Việt năm nay chiếm ưu thế, có uy tín trên thị trường. Thực tế này khẳng định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước từng bước được khẳng định, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho người tiêu dùng.

Tuy vậy, để có một cái Tết trọn vẹn, vui tươi cho mọi người dân, rõ ràng các ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp bình ổn thị trường; các doanh nghiệp triển khai nghiêm túc cam kết đã đưa ra.

Trước mắt, trong những ngày cao điểm mua sắm Tết, cần tiếp tục xử lý tốt, ngay lập tức những thông tin nóng về thị trường nếu phát sinh, nhất là các biến động cung cầu, giá cả hàng hóa bất thường… Qua đó, triển khai kịp thời các giải pháp điều tiết thị trường, hoặc chỉ đạo tổ chức chuyến bán hàng lưu động tại địa điểm có biến động… Ngoài ra, cần theo dõi sát diễn biến thị trường trong và sau Tết, đặc biệt là thời điểm sau Tết thường hay có tâm lý lơ là, chủ quan, nhiều nơi lợi dụng để găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Vì vậy, một mặt tăng cường hoạt động kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại, mặt khác, lực lượng chức năng cũng phải tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm không gây cản trở lưu thông hàng hóa.

Là Thủ đô nên thị trường Hà Nội bình ổn có tác dụng lan tỏa tới các địa phương khác. Với vai trò to lớn này, về lâu dài, cùng với thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, các ngành chức năng của Hà Nội như Sở Công Thương, Sở NN&PTNT… cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận nhằm kết nối tạo nguồn hàng phong phú, ổn định, bảo đảm cung ứng theo chuỗi cho thị trường Thủ đô.

Tình trạng khan hàng, sốt giá đã không còn xảy ra trong dịp Tết những năm gần đây. Đây là cơ sở để người tiêu dùng Thủ đô hoàn toàn yên tâm và tin tưởng khi đi mua sắm trong dịp này, qua đó sẽ có một cái Tết đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm bên gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo sự yên tâm, tin tưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.