Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân lên niềm tin!

Hà An| 27/02/2018 07:03

(HNM) - Nghề y là ngành nghề đặc biệt, mà chất lượng hoạt động vừa phụ thuộc vào thành tựu khoa học công nghệ vừa gắn liền với phương thức ứng xử, khả năng cung cấp dịch vụ cho người bệnh.


Câu chuyện bệnh nhân và gia đình người bệnh lâu nay phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để “xuất ngoại” trị bệnh, vẫn luôn là nỗi day dứt đối với ngành Y tế, với bệnh nhân và cả xã hội…

Trên thực tế, người bệnh và gia đình sở dĩ tốn công, tốn của tìm đến các nước có nền y học phát triển để chữa bệnh cũng bởi niềm hy vọng có thêm cơ hội sớm phục hồi. Bên cạnh đó cũng là mong có được một dịch vụ chăm sóc tốt nhất, bớt đi phần nào sự mệt mỏi, âu lo. Xét ra, đấy cũng là nguyện vọng chính đáng của bệnh nhân và gia đình. Chỉ có điều giữa kỳ vọng và thực tế có nhiều điểm chung hay không thì lại là chuyện khác… Với chi phí chữa bệnh cao gấp đến cả chục lần so với trong nước, mà phác đồ, hiệu quả điều trị không khác là bao, thì đồng tiền chữa bệnh phải trả ở nước ngoài dù là của người nhiều tiền hay ít tiền cũng đều đáng xót.

Không chỉ làm mất đi một nguồn lực đầu tư mang lại lợi ích y tế lâu dài trong nước, sâu xa hơn, hiện tượng “chảy máu” ngoại tệ như chúng ta vẫn gọi này cũng ít nhiều tác động tới niềm tin của chính lực lượng y tế trong nước trước cuộc đấu tranh âm thầm, bền bỉ nhằm đẩy lùi bệnh tật, cứu sống con người.

Làm thế nào để người bệnh được hưởng dịch vụ chữa bệnh với công nghệ, dịch vụ chất lượng cao ngay trong nước? Làm thế nào để trong cuộc đấu tranh đẩy lùi, vượt lên bệnh tật, cả bệnh nhân, các thầy thuốc và ngành y tế đều chung một “chiến hào”?

Trước hết, không có cách nào khác phải nhân lên niềm tin của người bệnh vào tay nghề, khả năng ứng dụng công nghệ cao của đội ngũ y bác sĩ trong nước. Nhân lên bắt đầu bằng sự đổi mới từ chính người thầy thuốc thông qua việc không ngừng nâng cao tay nghề. Đó là khả năng làm chủ các trang thiết bị hiện đại, triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao hơn nữa, phổ biến hơn nữa trong các lĩnh vực chữa bệnh. Đó là thái độ và chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh ngày một hoàn hảo, tinh tế hơn. Muốn như vậy, đầu tư cho cơ sở vật chất ngành Y, cho đào tạo đội ngũ y bác sĩ phải là sự đầu tư mạnh mẽ, lâu dài và hiệu quả. Sự quan tâm đầu tư, cùng những thành công bước đầu của một số đơn vị như Bệnh viện Tim Hà Nội, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - Hà Nội) và nhiều cơ sở y tế khác của cả nước trong thời gian vừa qua là những minh chứng rõ nét cho điều này.

Sau nữa, khả năng vun đắp, nhân lên niềm tin đối với những người thầy thuốc, nền y học trong nước cũng phụ thuộc vào thái độ, ứng xử của người bệnh, gia đình bệnh nhân và cả xã hội. Trong đó có việc tìm hiểu kỹ càng, có sự lựa chọn hợp lý, gửi gắm sự tin cậy vào các bác sĩ, cơ sở y tế chất lượng dù là trong nước…

Liên quan đến vấn đề này, để hỗ trợ bệnh nhân có thông tin nhanh, chính xác, nhất là về khả năng thực hiện kỹ thuật cao, chuyên sâu của ngành Y nước nhà, thì ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở y tế vẫn cần không ngừng được mở rộng. Trong đó có việc đẩy mạnh liên thông giữa các cơ sở y tế, giữa các cơ sở y tế với nguồn dữ liệu y tế quốc gia…

Niềm tin là động lực to lớn để mỗi người thêm sức mạnh vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Trong đó, niềm tin mà các thầy thuốc và ngành Y tế trong nước trao tặng các bệnh nhân và cả xã hội lại càng ý nghĩa. Ngược lại tinh thần chiến đấu, chiến thắng trong "cuộc chiến" chống lại bệnh tật và đặc biệt là niềm tin vào đội ngũ y bác sĩ trong nước của bệnh nhân, của xã hội cũng có tác động tích cực không nhỏ tới những “chiến sĩ áo trắng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân lên niềm tin!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.