Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển chợ trong xu thế mới

Minh Thúy| 03/03/2018 06:47

(HNM) - Chợ dân sinh có vai trò quan trọng trong đời sống đô thị, là loại hình công trình dịch vụ thương mại gắn với phát triển kinh tế, nơi tiêu thụ hàng hóa của người sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, hơn nữa còn là nguồn thu cho ngân sách nhà nước.


Có một vị thế riêng, nhưng nhiều năm qua các chợ ở Hà Nội vẫn phát triển cầm chừng, nhiều bất cập và chưa có hướng tháo gỡ hiệu quả. Hầu hết chợ truyền thống hoạt động theo cách cũ. Đó là sự lộn xộn, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; luôn đối diện với nguy cơ cháy, nổ; phương thức quản lý thiếu khoa học; chưa tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật… Theo tiêu chí văn minh, một số chợ truyền thống đã xây dựng mới khang trang, hiện đại, kết hợp công năng chợ truyền thống với nhiều tiện ích khác…

Tuy nhiên, trên thực tế, sự thay đổi này không mang lại hiệu quả; ngược lại còn gây lãng phí vì người dân "ngại" vào chợ… Dẫn chứng là một số mô hình như chợ Hàng Da, chợ Mơ sau chuyển đổi thành trung tâm thương mại trở nên đìu hiu, vắng khách, nhiều gian hàng phải đóng cửa. Trong khi đó, nhu cầu của người dân với chợ dân sinh vẫn rất lớn nên phát sinh chợ "cóc", chợ tạm trong khu vực. Thậm chí, ở nhiều nơi, chợ "cóc" tồn tại song hành và "hút khách" hơn chợ chính.

Thực trạng trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có cách nhìn khái quát, đầy đủ hơn về hệ thống chợ hiện tại, trong đó lưu ý tránh tình trạng thừa ki ốt trong chợ được quy hoạch, nhưng lại gia tăng tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Không thể nhận thức chợ dân sinh tương đương công trình thương mại đơn thuần như siêu thị, cửa hàng tiện ích… mà nên đặt chợ tồn tại trong mối liên hệ với tập tục, thói quen của cư dân từng vùng, miền.

Cùng với đó là quy hoạch mạng lưới chợ phải phù hợp, mang tính thực tiễn cao, đáp ứng sự đồng bộ, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trước sự phát triển mạnh của các dịch vụ thương mại điện tử ngày càng hiện đại, thì quy mô, tính chất các chợ truyền thống cũng phải có sự thay đổi phù hợp, tương thích để không bị lép vế hay “chết yểu”.

Hướng đến tiêu chuẩn chợ an toàn, văn minh, khi đầu tư cải tạo, xây dựng lại, các chợ phải được xây dựng đúng quy chuẩn, tuân thủ nguyên tắc về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm… Việc đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - tiểu thương - doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi triển khai, dự án cần được công khai, minh bạch; giữa chủ đầu tư và tiểu thương phải thống nhất về phương thức quản lý, vận hành. Ở đây, quan hệ giữa chủ đầu tư dự án chợ và tiểu thương cũng phải theo quy luật cung - cầu của thị trường, hướng đến xóa bỏ cơ chế quản lý cảm tính, mang hơi hướng của thời bao cấp đã lùi xa. Gần đây, một số chợ đã khẳng định được hiệu quả sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, do vậy, cần đẩy mạnh công việc này trong toàn hệ thống chợ trên địa bàn. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện với khung pháp lý rõ ràng nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Để chợ truyền thống phát huy giá trị, việc xóa chợ “cóc”, chợ tạm cũng là đòi hỏi tất yếu. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề nan giải bởi nhiều quận, huyện, xã, phường chưa quyết liệt giải tỏa chợ “cóc”, chợ tạm. Do vậy, phải gắn trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các cấp để có chế tài xử lý nếu không hoàn thành nhiệm vụ này.

Duy trì, phát triển chợ truyền thống là cần thiết. Song, nếu đặt chợ trong mối quan hệ cung - cầu, quy mô và tính chất phù hợp thực tiễn, tương quan cùng xu thế mới, chắc rằng hệ thống chợ dân sinh sẽ phát huy hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển chợ trong xu thế mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.