Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cả lượng và chất

Minh Thúy| 09/03/2018 07:04

(HNM) - 2017 là năm thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta, đặc biệt là các dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), gồm cả đăng ký mới và bổ sung cũng như giải ngân. Dấu ấn này đang tiếp tục tạo ra những kỳ vọng sáng sủa về hoạt động thu hút dòng vốn này trong năm 2018.


Hai tháng đầu năm 2018, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài diễn ra ổn định, không có đột biến. Thậm chí, đã xuất hiện những lo lắng khi việc thu hút vốn giảm nhẹ, chỉ bằng 98,2% so với cùng kỳ năm ngoái và thiếu vắng dự án quy mô lớn. Tuy nhiên, trong sự trầm lắng đó vẫn xuất hiện những điểm sáng. Đó là lượng vốn do nhà đầu tư nước ngoài góp, mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước tăng gấp hai lần và lượng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân trong 2 tháng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài đang vận động mạnh mẽ trong sự phát triển chung của nền kinh tế. Nhìn xa hơn, dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là FDI vào nước ta tăng qua từng năm và 2017 là năm có mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, việc ngày càng nhiều doanh nghiệp quy mô lớn rót vốn đầu tư đã khẳng định sức hút của điểm đến Việt Nam. Chưa kể, số lượng ngành, lĩnh vực mới được đầu tư ngày càng đa dạng, phong phú.

Tuy vậy, trong bối cảnh các "điểm tiếp nhận" vốn đầu tư nước ngoài đang có sự cạnh tranh gay gắt thì vấn đề duy trì, tìm thêm giải pháp nuôi dưỡng, tạo sức hấp dẫn nhằm thu hút nguồn vốn này ngày càng có ý nghĩa cấp thiết. Bên cạnh lợi thế sẵn có hàng đầu như môi trường chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, yếu tố bảo đảm xuyên suốt để thúc đẩy nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Cụ thể, công tác cải cách hành chính cần tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện trên phạm vi rộng, đồng bộ ở các cấp, ngành, địa phương. Đặc biệt, cải cách theo cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục đầu tư phải được quyết liệt triển khai, qua đó xử lý kịp thời mọi vướng mắc về cấp phép, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Cùng với đó, Nhà nước tiếp tục tập trung nguồn lực, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, cảng biển…

Vấn đề rất đáng chú ý là đến nay, khi việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài không còn chạy theo con số dự án đăng ký hay số vốn giải ngân mà chất lượng dự án mới là điều quan trọng thì việc thay đổi tư duy (gọi vốn) cần quyết liệt hơn. Định hướng này có thể hiểu một cách cụ thể là cần thu hút các nguồn lực đầu tư theo hướng chọn lọc dự án thân thiện với môi trường, giàu hàm lượng chất xám và tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Thu hút đầu tư nước ngoài cần tăng cả về số lượng dự án, số vốn đầu tư; nhưng cũng cần cả chất lượng các dự án, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất sôi động. Đồng thời, không chỉ thu hút nhiều nguồn vốn, điều cần thiết hơn là tăng cường liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực doanh nghiệp trong nước, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan tỏa đến nền kinh tế... Những định hướng này cũng chính là nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Nghị quyết 01/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Chính phủ nhấn mạnh: Sẽ thu hút có chọn lọc các dự án FDI, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài... Những chuyển động từ thực tế nước ta, kinh nghiệm từ các nước cho thấy đây chính là kim chỉ nam cho mọi hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần cả lượng và chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.