Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước chuyển biến lớn

Chí Kiên| 10/05/2018 06:51

(HNM) - Qua một năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 11-4-2017 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn thành phố, điều dễ nhận thấy là sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng sôi nổi, nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân.


Trong quá trình triển khai cuộc vận động, các địa phương luôn chú trọng thực hiện những mục tiêu theo chiều sâu và nâng cao chất lượng bằng những hành động cụ thể thay vì hô hào chung chung. Đặc biệt, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng và củng cố vững chắc hơn.

Cộng đồng dân cư ở nhiều địa phương đã phát huy truyền thống tương thân, tương ái, hạn chế và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp nhau giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn, đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp; phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Đáng mừng là từ đây, đời sống người dân vùng núi, nông thôn và khu vực đô thị trên địa bàn Thủ đô từng bước thu hẹp khoảng cách, đồng thời tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho vùng khó khăn phát triển.

Bên cạnh đó, qua việc thực hiện song song và lồng ghép cuộc vận động với triển khai Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trực thuộc TP Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng; và các chủ đề công tác như “Năm kỷ cương hành chính 2017”, “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”, đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô về thực thi chức trách, nhiệm vụ và tiếp xúc với công dân ở công sở cũng như việc giao tiếp của người dân nơi công cộng.

Rõ ràng, sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Thành ủy Hà Nội đối với cuộc vận động đã tạo nên bước chuyển biến lớn, đặt nền móng vững chắc trong xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Thực tế, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai mang tính chất toàn dân, toàn diện; góp phần quan trọng vào thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ tự quản ở cơ sở. Vì vậy, để cuộc vận động đạt hiệu quả tốt hơn, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị. Mỗi ban, ngành, đoàn thể, địa phương và người dân cần xác định vai trò, trách nhiệm của mình, nòng cốt là MTTQ để tạo sức mạnh tổng hợp, tiếp tục khơi dậy tinh thần toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Muốn vậy, các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ Chỉ thị số 17-CT/TU; khắc phục cho được những hạn chế về công tác tuyên truyền vận động nhân dân, huy động nguồn lực, xây dựng và nhân rộng mô hình điểm, vai trò giám sát và phản biện của các tổ chức, cá nhân…

Quá trình triển khai cần gắn cuộc vận động với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào “Dân vận khéo”… Đồng thời tạo điều kiện để nhân dân trực tiếp bàn bạc xây dựng, thực hiện các công việc ở khu dân cư.

Chính quyền các cấp cũng cần tiếp tục thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp với MTTQ cùng cấp, bảo đảm cơ chế, điều kiện để MTTQ các cấp triển khai và giám sát việc tổ chức thực hiện cuộc vận động. Cùng với đó, cấp ủy và chính quyền cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động; gắn trách nhiệm của tổ chức Đảng, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và tổ chức thực hiện ở cơ quan, đơn vị…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển biến lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.