Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tối đa lợi ích, tối thiểu rủi ro

Đình Hiệp| 24/05/2018 07:01

(HNM) - Dù mỗi quốc gia có cách gọi khác nhau (khu kinh tế tự do, khu kinh tế đặc biệt, khu kinh tế mở…), song các đặc khu luôn hướng đến mục đích chung là tạo ra giá trị kinh tế tối đa nhờ các cơ chế, chính sách ưu đãi.


Việc hình thành 3 đặc khu kinh tế của Việt Nam trong tương lai gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) cũng không nằm ngoài quy luật phát triển trên.

Không thể phủ nhận những lợi thế so sánh mà Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc đang sở hữu như vị trí ven biển chiến lược, bất động sản chưa được khai thác,... để thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì thế, 3 đơn vị hành chính đặc biệt này được kỳ vọng sẽ là những cực tăng trưởng mới, vừa tạo nên sức hút, vừa lan tỏa sự phát triển ra toàn nền kinh tế nhờ hàng loạt ưu đãi vượt trội dành cho các nhà đầu tư, trong đó phải kể đến ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt...

Dù được kỳ vọng lớn như vậy, song hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về năng lực quản lý, điều hành; mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đặc khu; thời gian và thẩm quyền cho thuê đất…? Đây là nội dung mà các đại biểu Quốc hội khóa XIV đặc biệt quan tâm trong phiên thảo luận hôm qua (23-5) về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ năm này gồm 6 chương, 85 điều đã được chỉnh lý trên nguyên tắc bảo đảm những ưu đãi có tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế. Dự án luật có thể có những quy định khác với các luật hiện hành, nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, duy trì quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Cùng với đó, việc hình thành bộ máy chính quyền tại các đơn vị này phải theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm cân bằng 3 lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.

Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều nằm trong danh sách những điểm đến du lịch đẹp nhất của Việt Nam và trên thế giới. Việc thành lập 3 đặc khu tại đây sẽ có những tác động kinh tế to lớn không chỉ tới các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế nước ta.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng, từ năm 2020 trở đi, 3 đặc khu kinh tế này sẽ giúp cho GDP địa phương tăng hàng tỷ USD mỗi năm. Tiếp đó, từ năm 2030, thu nhập trung bình của người dân sinh sống ở các đặc khu này sẽ đạt từ 12.000 đến 13.000 USD/người/năm.

Thế nhưng, như khẳng định của nhiều chuyên gia kinh tế, việc xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là vấn đề mới và khó, chưa có tiền lệ tại Việt Nam nên cần thận trọng, cập nhật với thông lệ quốc tế, nhưng cũng không nên quá cầu toàn. Vì thế, trong quá trình triển khai nếu còn những vướng mắc, bất cập thì chúng ta có thể bổ sung hoàn thiện.

Để tối đa hóa lợi ích và hạn chế đến mức có thể kiểm soát được rủi ro, việc thành lập và thiết kế 3 đặc khu kinh tế trên cần được gắn với chiến lược toàn diện về phát triển công nghiệp và đầu tư trực tiếp nước ngoài của quốc gia; tập trung lựa chọn vị trí, tính kết nối, dịch vụ hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh. Cùng với đó, việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đóng vai trò quan trọng để các đặc khu kinh tế phát triển; đồng thời tạo sân chơi công bằng, bình đẳng cho các nhà đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tối đa lợi ích, tối thiểu rủi ro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.