Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng trách nhiệm

Dục Tú| 17/06/2018 07:23

(HNM) - Với Hà Nội, khái niệm “Thủ đô di sản” là định hướng quan trọng để khai thác giá trị và bảo tồn di sản nhằm phục vụ mục tiêu xây dựng thành phố - Thủ đô văn hóa, lấy văn hóa làm động lực cho sự phát triển bền vững. Với ý nghĩa đó, khi đề cập tới những thách thức đặt ra trước “Thủ đô di sản”, sự thiếu hụt về nguồn kinh phí phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo di sản cũng như sự chậm trễ trong việc xem xét, phê duyệt phương án bảo tồn, trùng tu di tích chỉ là một phần trong số nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế mà chúng ta đã biết.


Kinh nghiệm từ TP Huế, Hội An - những nơi có khá nhiều nét tương đồng với Hà Nội khi xét tới khái niệm “đô thị di sản” - cho thấy rõ hơn về sự song hành giữa hai nhiệm vụ bảo tồn và phát triển mà ở đó, không có nhiệm vụ nào ở vị trí thứ yếu. Rất đơn giản, thực tế chỉ ra rằng, với khu phố cổ Hội An (Quảng Nam), nhiệm vụ bảo tồn không thể thu được kết quả tích cực nếu không được thực hiện cùng lúc với giải pháp phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường... Những ngôi nhà cổ xuống cấp đã được trùng tu nhờ thực hiện giải pháp Nhà nước và nhân dân cùng làm, chẳng mấy chốc sẽ lại phải trùng tu một lần nữa, với kinh phí không nhỏ nếu giải pháp chống ngập, chống mối mọt không được thực hiện tốt, ý thức bảo vệ di sản của du khách và người dân không được nâng lên. Với TP Huế, bài học về sự cần thiết đồng thời giải bài toán bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch bền vững có thể thấy rõ qua câu chuyện về dự án xây dựng trên đồi Vọng Cảnh - xảy ra từ nhiều năm trước.

Văn hóa, như từng được đề cập, “không phải một lĩnh vực mà là một phạm vi”. Di sản là một thành tố quan trọng, vì vậy, không độc lập, bất biến mà chịu ảnh hưởng từ những yếu tố chuyển động quanh nó, từ kinh tế, du lịch, xã hội, khoa học, môi trường đến pháp luật, giáo dục, quy hoạch…, cả khi xét theo yêu cầu bảo tồn hay phát huy giá trị phục vụ cho sự phát triển chung. Như với việc tạo nguồn kinh phí, những yếu tố về pháp luật, chính sách, quy hoạch không chỉ giúp việc thực hiện phương án bảo tồn được tốt hơn mà còn tạo cơ sở pháp lý cho việc trích lập nguồn tiền từ lợi nhuận thu được qua các hoạt động liên quan đến khai thác giá trị di sản để phục vụ cho công tác bảo tồn. Tương tự, trong nhiều trường hợp mà rõ nhất là ở Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) hay khu phố cổ Hội An, ý thức tham gia bảo tồn sẽ tốt hơn nếu một phần nguồn lợi thu được từ khai thác giá trị di sản được chia sẻ cho cộng đồng sở tại để họ chủ động tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo tồn...

Bởi vậy, khi đối diện thách thức đặt ra trước yêu cầu bảo tồn di sản, giải pháp và sự quan tâm không chỉ là tìm cách huy động nguồn kinh phí đầu tư cho công tác này - cả với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể - hay cải cách hành chính nhằm giảm thời gian chờ đợi được bảo tồn. Vấn đề còn nằm ở việc xây dựng và nâng cao ý thức thực hiện các chính sách liên quan. Xã hội cần coi di sản là tài sản sinh lợi nhuận thay vì bằng ánh mắt nhìn vào gánh nặng, từ đó có ý thức chung sức bảo vệ. Ngành Du lịch, chính quyền địa phương và người dân xác định rõ di sản là một dạng tài nguyên có thể thất thoát thay vì không bao giờ cạn kiệt bất kể cách thức khai thác, từ đó xác định nghĩa vụ tham gia bảo tồn, khai thác một cách hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.