Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiết thực hơn, lan tỏa hơn!

Duy Biên| 13/07/2018 06:56

(HNM) - Trong những năm gần đây, giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Có thể thấy, gần 3 triệu lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế... đã thực sự đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước.

Phải khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chính sách chăm lo cho công nhân, người lao động. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi tập trung số lượng công nhân sinh sống và làm việc đông nhất cả nước, việc chăm lo đời sống công nhân được thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể như xây dựng nhà trẻ, trường mầm non; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho công nhân khó khăn, mắc bệnh, bị tai nạn nghề nghiệp hoặc mất việc làm với số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm... Cùng với đó là các chương trình tặng vé tàu, xe cho hàng chục nghìn công nhân về quê trong dịp Tết; vận động chủ doanh nghiệp nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca...

Sự chăm lo đó không chỉ góp phần giúp công nhân, người lao động giảm bớt khó khăn mà còn là nguồn động viên, khích lệ người lao động trau dồi nghề nghiệp, yên tâm lao động tốt hơn. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều công nhân, người lao động, nhất là những người đang làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế gặp khó khăn do thu nhập thấp, thiếu những điều kiện cơ bản như nhà ở, dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục, vui chơi giải trí...

Năm 2018 đối với giai cấp công nhân có ý nghĩa rất quan trọng, là cột mốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua đó, không chỉ khắc phục những mặt hạn chế trong thời gian qua, tinh thần của Nghị quyết cần tiếp tục được lan tỏa, sao cho tất cả công nhân được chăm lo về vật chất và tinh thần chu đáo hơn nữa, phát huy được tính tiền phong trong việc nắm bắt tri thức mới, sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.

Để làm được điều đó, trước hết công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế phải chỉ đạo các công đoàn cơ sở tổ chức tốt hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại tại nơi làm việc nhằm kịp thời giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quan hệ lao động, hạn chế đến mức thấp nhất tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể xảy ra. Qua đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Cùng với đó, chính quyền địa phương, các cấp công đoàn cần tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động như tiền lương, tiền thưởng, hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Đồng thời có chính sách cụ thể, quy trách nhiệm cho các nhà đầu tư; hỗ trợ vay vốn cho các dự án xây nhà ở, nhà trẻ, công trình phúc lợi cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong đó đặc biệt lưu ý, khi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân phải quan tâm đến nhu cầu của công nhân, có tính đến điều kiện như: Giá cả, diện tích, trường học, bệnh viện, khu vui chơi...

Cuối cùng, hơn ai hết, công nhân, người lao động phải nỗ lực vươn lên, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, làm việc tốt hơn nữa để nâng cao thu nhập, phát triển bản thân.

Sự quan tâm thỏa đáng của chính quyền, tổ chức công đoàn các cấp, các doanh nghiệp sử dụng lao động thể hiện qua những hành động thiết thực hơn, lan tỏa hơn chắc chắn sẽ khiến người lao động thêm gắn bó, chung tay xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh, đóng góp cho sự phát triển của xã hội và đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiết thực hơn, lan tỏa hơn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.