Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần gắn với phát triển bền vững

Chí Kiên| 18/07/2018 07:09

(HNM) - Thời gian qua, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788-QĐ/TTg ngày 1-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng không ít điểm nóng ô nhiễm vẫn tồn tại, thậm chí gia tăng ở nhiều nơi và không riêng lĩnh vực nào...


Nếu như khu vực đô thị phải đối mặt với thách thức ô nhiễm không khí, ứ đọng rác thải công nghiệp thì ở nông thôn lại đang đương đầu với ô nhiễm môi trường, nguồn nước do chất thải từ làng nghề; ô nhiễm môi trường đất do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học... Đặc biệt, các lĩnh vực "nhạy cảm" với môi trường như cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản, luyện gang thép, nhiệt điện, sản xuất giấy, xi măng,... khi phát triển, mở rộng cũng đồng nghĩa gia tăng nguy cơ ô nhiễm...

Từ thực tế trên cho thấy, việc kiểm soát, xử lý triệt để cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng bằng công cụ chính sách, pháp luật ở một số nơi vẫn chưa nghiêm túc; còn tồn tại khó khăn, bất cập trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cùng với đó là việc kiểm soát ô nhiễm bằng công cụ kỹ thuật chưa hiệu quả do công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa chú trọng đến xây dựng hệ thống xử lý chất thải,...

Rõ ràng, những khó khăn, thách thức trên liên quan đến hệ thống chính sách, năng lực thực thi pháp luật cũng như nhận thức, ý thức của người dân, doanh nghiệp.

Phát triển kinh tế là cần thiết, song, nếu chúng ta chỉ tập trung cho tăng trưởng mà quên mục tiêu phát triển bền vững, các thế hệ tương lai sẽ phải thừa hưởng một gia sản nghèo nàn, môi trường ô nhiễm. Do đó, các bộ, ngành, địa phương, ngoài tiếp tục hoàn thành mục tiêu loại bỏ triệt để cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần nâng cao trách nhiệm, đưa ra những quyết sách cùng những hành động thiết thực để xác lập nền móng vững chắc thực hiện chủ trương, chính sách bảo vệ môi trường.

Ngoài ra là nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường mang tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao. Đồng thời rà soát chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ, ngành liên quan để bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt trong thực thi nhiệm vụ từ trung ương đến địa phương.

Trong đó, ngành Tài nguyên và Môi trường cần đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, chủ động phát hiện, kịp thời xử lý cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời khắc phục yếu kém, bất cập nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; xây dựng cơ chế đột phá huy động nguồn lực đầu tư, xã hội hóa bảo vệ môi trường,...

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là những cơ sở nằm trong "danh sách đen" gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định số 1788-QĐ/TTg, cùng với mục tiêu tối đa hóa hoạt động, lợi nhuận phải có trách nhiệm với xã hội bằng việc đặt nhiệm vụ bảo vệ môi trường lên hàng đầu, coi đó là mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững. Muốn vậy, không còn cách nào khác là tăng cường nhân lực, trang bị dây chuyền, thiết bị hiện đại và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh; tập trung đầu tư, phát triển các lĩnh vực, ngành nghề thân thiện môi trường, ít tiêu tốn năng lượng và tài nguyên.

Tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; phải kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của nhân dân - như quan điểm mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần gắn với phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.