Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt với đơn vị chây ỳ

Gia Khánh| 10/09/2018 06:14

(HNM) - 17.944 tỷ đồng là số nợ thuế được ngành Thuế thu hồi tính từ đầu năm đến nay, trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là khoảng 12.633 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế là 5.311 tỷ đồng.


Thực tế, trong cả nghìn lý do để nợ thuế, có những doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất, kinh doanh, không có nguồn tiền để nộp thuế, song cũng có không ít đơn vị cố tình né tránh trách nhiệm với nhà nước. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, không còn khả năng thanh toán nợ thuế, nhưng cũng không ít doanh nghiệp nợ thuế chuyển đổi chủ sở hữu, rời khỏi nơi kinh doanh hoặc tìm mọi cách để trốn thuế...

Không những thế, việc thu thập thông tin tài khoản của người nợ thuế để cưỡng chế không mấy dễ dàng, bởi người nộp thuế có thể mở tài khoản tại nhiều ngân hàng đóng trên các địa bàn khác nhau. Trong khi đó, tài khoản cung cấp cho cơ quan thuế lại có số dư rất ít. Vì thế, việc cưỡng chế truy thu thuế đối với những doanh nghiệp này của ngành Thuế cũng gặp không ít khó khăn.

Tại Hà Nội, một trong những địa phương có số nợ thuế lớn, sau hàng chục đợt công khai danh sách đơn vị nợ thuế, phí, tiền sử dụng đất trên phương tiện thông tin đại chúng, số nợ mà các doanh nghiệp này tự giác nộp trả ngân sách chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng nợ phải trả. Thậm chí, có tới 156 doanh nghiệp bị nêu danh từ năm 2017, đến năm 2018 vẫn chưa chịu trả nợ. Vì vậy, Cục Thuế TP Hà Nội đã phải áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn, như thu hồi hóa đơn, cưỡng chế thu từ tài khoản doanh nghiệp.

Để hạn chế tình trạng nợ đọng thuế, ngay từ đầu năm 2018, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho từng cục thuế. Đồng thời yêu cầu các cục thuế phân bổ, giao tới từng đơn vị, lãnh đạo, cán bộ, với mục tiêu thu hồi kịp thời số tiền nợ đọng thuế vào ngân sách và không để phát sinh nợ mới. Các khoản nợ được phân loại, giám sát theo các tiêu chí phân tích nợ, bảo đảm phản ánh đúng bản chất khoản nợ thuế của từng trường hợp cụ thể, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.

Tuy nhiên, bên cạnh ngành Thuế, việc thu hồi nợ thuế còn cần sự phối hợp của các cấp, ngành khác. Đơn cử như việc duy trì các tổ liên ngành gồm ngành Thuế, Tài chính, Công an, UBND địa phương trong đôn đốc thu hồi nợ đọng; hay các đơn vị kho bạc, ngân hàng, kế hoạch - đầu tư... trong cưỡng chế thu hồi nợ, để đủ sức mạnh giải quyết vấn đề hiệu quả.

Cùng với đó, trên cơ sở rà soát các khoản nợ, đối tượng nợ, khoản nợ không còn đối tượng thu... để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp. Nên có giải pháp hỗ trợ cho những đơn vị thực sự khó khăn vì lý do khách quan, tạo điều kiện để người nộp thuế đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, từ đó có nguồn thu giảm nợ đọng thuế. Mở rộng hơn, việc thu hồi nợ thuế cần tiếp tục gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi và môi trường kinh doanh bình đẳng cho người nộp thuế thuộc mọi thành phần kinh tế. Qua đó, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Ngược lại, đối với doanh nghiệp cố tình chây ỳ, dây dưa, có dòng tiền nhưng không chịu nộp trả nợ thuế, rõ ràng các biện pháp quyết liệt cần phải được thực thi. Có như vậy mới bảo đảm được sự công bằng, bình đẳng cho những doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt với đơn vị chây ỳ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.