Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Tuấn Kiệt| 18/09/2018 06:18

(HNM) - Vi phạm về trật tự xây dựng tại Hà Nội luôn là vấn đề “nóng” và phức tạp. Mặc dù quy định của pháp luật về lĩnh vực này ngày càng hoàn thiện, cơ quan quản lý chuyên ngành cũng đã nỗ lực...


Những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều thay đổi về mô hình tổ chức lực lượng Thanh tra xây dựng, từ chỗ thí điểm ở cấp quận, huyện, thị xã (gọi chung là cấp huyện), phường, xã, thị trấn, sau đó đưa về trực thuộc Sở Xây dựng, rồi lại bàn giao cho cấp huyện quản lý. Mới đây nhất, ngày 4-7-2018, UBND thành phố có Quyết định số 3406/QĐ-UBND về việc thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị chịu sự chỉ đạo, quản lý của UBND cấp huyện. Đánh giá ở một mức độ thì tình hình quản lý trật tự xây dựng thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rõ nét, các vi phạm nổi cộm gây bức xúc trong dư luận đã dần được hạn chế. Thế nhưng, với tốc độ đô thị hóa của Hà Nội đang diễn ra rất nhanh, công tác quản lý trong lĩnh vực này luôn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn phát sinh vi phạm, tiêu cực, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu. Nếu không, câu chuyện về vi phạm trật tự xây dựng vẫn là "biết rồi nói mãi".

Điều dễ nhận thấy là hầu hết vi phạm về trật tự xây dựng đều xuất phát từ cơ sở. Nhưng đáng nói, vai trò của chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) còn mờ nhạt, chưa thực thi đầy đủ thẩm quyền theo quy định. Hiện nay, theo phân cấp, giấy phép xây dựng do cấp huyện cấp cơ bản chiếm số lượng lớn. Trong khi nhiều trường hợp xây dựng sai phép, không phép, tăng mật độ xây dựng, vượt tầng, vi phạm trên đất nông nghiệp… qua kiểm điểm đều có trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Về quy trình, việc phân cấp quản lý, điều hành trực tiếp lĩnh vực này thuộc về chủ tịch UBND cấp huyện được cho là phù hợp, bám sát cơ sở nhằm hạn chế vi phạm trật tự xây dựng. Song, đáng tiếc là thực tế kết quả chưa như mong muốn khi sai phạm vẫn xảy ra, đặc biệt là thống kê về tình trạng vi phạm chưa phản ánh hết thực tế. Trong khi sai phạm cũ chưa được xử lý triệt để thì những phát sinh mới không được giải quyết, ngăn chặn sớm. Một trong những nguyên nhân chính là chất lượng của cán bộ quản lý địa bàn, thái độ kiên quyết của chính quyền địa phương trong việc xử lý chưa đạt yêu cầu.

Nói vậy để thấy, muốn trật tự xây dựng đi vào nền nếp thì đầu tiên phải bắt đầu từ cán bộ quản lý, bắt đầu từ cơ sở. Cán bộ lãnh đạo dù có "ba đầu, sáu tay" cũng không nắm bắt xuể nếu cấp dưới làm ngơ, bao che vi phạm. Do đó, địa bàn nào để xảy ra vi phạm nhiều thì cán bộ quản lý trực tiếp ở đó phải bị xử lý đầu tiên, có thể là cách chức, chuyển công tác. Cứ làm nghiêm, ắt xây dựng đô thị sẽ đi vào nền nếp.

Tại kỳ họp thứ tư, HĐND TP Hà Nội khóa XV tháng 7-2017, một số đại biểu cũng đã đề nghị nhân rộng mô hình của huyện Mê Linh là xem xét đình chỉ chức vụ của người đứng đầu cơ sở khi để xảy ra vi phạm trên địa bàn. Tức là, phải bằng mọi cách không để xảy ra vi phạm mới. Có khi chỉ cần nhận được tin nhắn, tin báo của nhân dân thì lãnh đạo địa phương đã phải vào cuộc kiểm tra, xử lý. Nếu vụ việc xảy ra trên địa bàn mà nói không biết thì không thuyết phục và chưa hoàn thành nhiệm vụ. Quản lý trật tự xây dựng cũng như người cảnh sát giao thông, ưu tiên giám sát, cảnh báo chứ không phải chờ đến khi có sai phạm rồi mới xử lý thì đã muộn. Việc ấy, muốn hiệu quả, chắc chắn phải bắt đầu từ chính quyền địa phương...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.