Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn hệ lụy

Duy Biên| 06/10/2018 06:24

(HNM) - “Bóng cười” - (bóng bơm chất khí N20) du nhập vào Việt Nam khoảng chục năm trước nhưng chỉ thực sự trở thành cơn sốt trong một vài năm gần đây. Tại Hà Nội, “bóng cười” không chỉ được bán và sử dụng rộng rãi ở các quán bar mà nhiều quán karaoke cũng đã kinh doanh mặt hàng này.

Số tiền bỏ ra để mua 1 quả “bóng cười” chỉ từ 20 nghìn đến 50 nghìn đồng. Giá rẻ nhưng cảm giác mang lại sau khi sử dụng là những trận cười sảng khoái, vui vẻ và hứng thú nên cuốn hút giới trẻ tìm đến “bóng cười”. Trong khi đó, loại khí N2O không nằm trong danh mục cấm nhập theo Luật Hóa chất, bởi chất này vẫn được nhập dưới dạng phục vụ lĩnh vực y tế nên rất dễ lưu hành.

Về mặt nào đó, nhiều người nghĩ rằng “bóng cười” tưởng chừng như vô hại vì cười càng nhiều càng có lợi cho sức khỏe, song việc lạm dụng sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường với cơ thể, đặc biệt là ảnh hưởng thần kinh và rối loạn tim mạch... Ngoài ra, khí cười là chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, gây nghiện. Và thực tế đã cho thấy, trong thời gian gần đây, các bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu do ngộ độc “bóng cười”.

“Bóng cười” gây nguy hại tới sức khỏe là vậy, nhưng hiện vẫn được rao bán công khai trên thị trường mà không chịu sự quản lý chặt chẽ. Thậm chí, do không nhận thức đầy đủ tác hại của “bóng cười”, nên ngày càng nhiều bạn trẻ sử dụng. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc buôn bán, kinh doanh mặt hàng này để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Trên thực tế, TP Hà Nội rất quyết liệt trong việc xử lý nạn “bóng cười”. Cụ thể, năm 2017, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong việc kinh doanh, buôn bán “bóng cười”. Trong đó, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh học sinh tác hại của việc sử dụng “bóng cười” và nghiêm cấm học sinh sử dụng sản phẩm này. Để nâng cao nhận biết về những nguy cơ từ sử dụng "bóng cười", công tác tuyên truyền cần tiếp tục mở rộng hơn, nhất là tới đối tượng thanh, thiếu niên về tác hại của loại bóng này.

Hiện nay, vì chạy theo lợi nhuận, một số cơ sở nhỏ lẻ vẫn lén lút bán "bóng cười" hoặc kinh doanh qua mạng xã hội. Do vậy, lực lượng chức năng, đặc biệt là ở cơ sở phải thường xuyên duy trì, kiểm tra việc kinh doanh ở các địa điểm như quán bar, cà phê, karaoke, đồng thời yêu cầu cam kết không kinh doanh “bóng cười” dưới mọi hình thức. Một trong những khó khăn trong việc giải quyết tình trạng trên là hiện tại chưa có quy định cụ thể về “bóng cười” như một chất gây nghiện để cấm buôn bán và sử dụng. Cũng vì thế, thời gian qua các cơ quan chức năng mới chỉ có thể quản lý và giám sát về nguồn gốc xuất xứ của bình khí N2O tại các cơ sở kinh doanh "bóng cười" để xử lý hành vi tàng trữ hàng hóa không rõ nguồn gốc. Do đó, cần tiến tới xem xét, ban hành quy định cấm sử dụng trong kinh doanh dịch vụ trên cơ sở có đánh giá đầy đủ những tác hại do sử dụng “bóng cười” mang lại…

Có thể thấy, việc sử dụng "bóng cười", không chỉ để lại những hệ lụy nhãn tiền về tình hình an ninh - trật tự, sức khỏe người dân... Việc xây dựng chế tài đủ mạnh và kiểm tra xử lý nghiêm việc mua bán và sử dụng "bóng cười", chắc chắn sẽ tạo sức răn đe, tránh những hiểm họa khôn lường với xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn hệ lụy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.